1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp để “trường sinh bất lão”?

(Dân trí) - Các nhà khoa học có lẽ sắp tìm ra một cách để kéo dài tuổi thọ của con người sau khi đã khám phá ra một nhóm protein kiểm soát sự lão hóa. Có thể tăng hay giảm nồng độ của một nhóm protein tên là các yếu tố phiên mã theo kiểu Kruppel (KLF) để làm tăng hoặc giảm tuổi thọ.

Các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp để “trường sinh bất lão”? - 1

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Dược của trường Đại học Case Western Reserve đã khám phá ra điều này sau khi chỉnh sửa các protein KLF ở giun tròn (caenorhabditis elegans) – một loài hiện đang được sử dụng cho nghiên cứu sinh học vì nó có chung các loại protein tương tự với động vật có vú.

Tác giả chính của nghiên cứu này – tiến sĩ Nelson Hsieh cho biết: “nhóm nghiên cứu nhận thấy, bằng cách gia tăng hoặc giảm nồng độ các loại protein thuộc nhóm KLF, chúng ta thực sự có thể làm cho giun tròn sống lâu hơn hoặc ít hơn.

“Vì các protein thuộc họ này cũng tồn tại ở các loài động vật có vú, nên có một điều cũng rất thú vị là các dữ liệu nghiên cứu cho thấy các protein KLF cũng có các tác động tương tự đến quá trình lão hóa ở các loài động vật có vú”.


Nghiên cứu này đã được tiến hành trên giun tròn.

Nghiên cứu này đã được tiến hành trên giun tròn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, giun tròn có nồng độ KLF cao thường sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Họ cũng nhận thấy kết quả tương tự ở loài chuột.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định rằng chức năng của các protein KLF là kiểm soát sự tự thực bào – một hành động kiểm soát chất lượng, cho phép tế bào giải phóng các sản phẩm phụ phân tử vốn bị tích lũy lại do quá trình lão hóa. Bình thường, khi tế bào già đi, hiệu quả của việc loại bỏ lượng chất thải này sẽ kém đi, và cuối cùng sự sống sót của tế bào bị đe dọa.


Nghiên cứu này có thể làm chậm sự lão hóa.

Nghiên cứu này có thể làm chậm sự lão hóa.

Các nhà nghiên cứu tin rằng bằng cách tăng nồng độ KLF, các tế bào có thể thực hiện chức năng này lâu hơn.

Theo tiến sĩ Hsieh, “vì dân số của chúng ta đang già đi, chúng ta cần phải hiểu được điều gì sẽ xảy ra với trái tim và các động mạnh, vì chúng ta cần phải dựa vào chúng để sau này cơ thể tiếp tục thực hiện các chức năng một cách hoàn hảo.

“Phát hiện này đã làm sáng tỏ những gì có thể xảy ra trong quá trình lão hóa, và cung cấp một nền tảng để thiết kế các phương pháp can thiệp làm chậm lại những quá trình này”.

Đồng tác giả của nghiên cứu – giáo sư Mukesh K Jain - cho rằng: “Việc quan sát thấy mức độ KLF giảm đi theo độ tuổi và duy trì nồng độ KLF có thể ngăn ngừa sự mất chức năng của mạch máu do lão hóa gây ra đã mang đến gợi ý rằng: sự bất thường của mạch máu cũng góp phần đáng kể vào các tình trạng khác nhau do lão hóa gây ra, chẳng hạn như cao huyết áp, bệnh tim và sa sút trí tuệ”.

Anh Thư (Theo Express)