1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các cuộc ly hôn trong cãi vã khiến trẻ em có nguy cơ mắc bệnh gấp đôi

(Dân trí) - Sự căng thẳng khi ly hôn của phụ huynh khiến cho trẻ gấp đôi nguy cơ mắc phải các loại bệnh cả về thể chất và tinh thần. Ly hôn không phải là vấn đề, mà vấn đề là cách giải quyết việc này.

Các cuộc ly hôn trong cãi vã khiến trẻ em có nguy cơ mắc bệnh gấp đôi - 1

Bà Maria Seijo Martines từ Đại học Santiago de Compostela, Tây Ban Nha cho biết “việc xử lý kém thường tạo ra xung đột giữa phụ huynh, và khiến cho việc duy trì mối quan hệ tốt rất khó khăn. Nếu trẻ em tiếp xúc với tình huống gia đình như vậy trong một thời gian dài, chúng thường gặp phải tình trạng căng thẳng “độc hại”.

Phát hiện này đã bổ sung thêm cho các bằng chứng trước đó về việc chia tay của các cặp vợ chồng có ảnh hưởng đến tình trạng của con trẻ. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu, dạ dày và ruột, các bệnh về da và rối loạn não gấp hai lần.

Các nghiên cứu cho thấy, việc ly hôn gây ra căng thẳng tâm lý và xã hội, ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần của cả gia đình và những người họ hàng khác đôi khi cũng bị ảnh hưởng theo.

“Bản thân việc chia tay của bố mẹ không hề có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, nhưng cách cư xử kém của cha mẹ trong hoàn cảnh này thì lại có ảnh hưởng”.

Nghiên cứu này được thực hiện ở các gia đình mà phụ huynh vẫn sống với nhau hoặc đã chia tay, trong đó có 467 bé trai và gái trong độ tuổi từ 2 đến 18.

Các chuyên gia tin rằng, các vấn đề về thể chất, tâm lý tình cảm và hành vi chủ yếu là do “không đủ quan tâm”. Sự xung đột, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở cả cha và mẹ hoặc bạo lực trong các gia đình cũng làm tăng ảnh hưởng đến sự thay đổi của trẻ em. Theo bà Martines, điều này kích hoạt phản ứng căng thẳng, mãnh liệt kéo dài và gây ra bệnh tật.

Cách đây 5 năm, một nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện rằng chỉ riêng mỗi hoàn cảnh bất lợi thì không gây ra tình trạng sức khỏe xấu ở trẻ em. Vấn đề là ở chỗ thiếu hụt các mối quan hệ tốt để bảo vệ và hỗ trợ cho trẻ - cũng như để tạo điều kiện cho các thích ứng và thay đổi của trẻ.

Theo bà Martines, chúng ta cần hỗ trợ các gia đình để làm giảm các hậu quả này. “Các chuyên gia tiếp xúc trực tiếp với trẻ em, chẳng hạn như người chăm sóc chính hoặc nhà trường cũng có vai trò trong việc làm giảm các căng thẳng độc hại, trở thành một bộ phận để thiết kế và thực hiện các biện pháp can thiệp có định hướng nhằm bảo vệ trẻ và ngăn ngừa tình huống xấu”.

Anh Thư (Theo Express)