Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… "leo cây"

(Dân trí) - Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau có đề xuất đặt hàng nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi. Nhiều người còn gọi là cá "leo cây".

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Cà Mau cho biết, vừa qua, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau, địa phương cuối cùng cực Nam Tổ quốc) đề xuất với Sở KH&CN nghiên cứu khôi phục cá thòi lòi, trong điều kiện loài cá này đang bị người dân khai thác quá mức, nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên.

Xem cá thòi lòi leo cây, bơi dưới nước, bò trên cạn.

Theo Wikipedia, cá thòi lòi là một loài cá thuộc họ cá bống trắng, được tìm thấy tại khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở vùng nhiệt đới trải dài từ Seychelles, Ấn Độ, Bangladesh, Australia, bao gồm cả Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Ở Việt Nam, cá thòi lòi thường phân bố ở các vùng cửa sông và ngập mặn ven biển ĐBSCL. Còn tại tỉnh Cà Mau, cá thòi lòi sinh sống chủ yếu dưới tán rừng ngập mặn và bãi bồi vùng Mũi Cà Mau (Năm Căn, Ngọc Hiển).

Nhiều người cho rằng, đây là một trong những loài cá kỳ lạ trên trái đất, bởi có thể leo cây, đi, bò trên cạn, bơi, lặn dưới nước,…

Loài cá này cũng có giá trị kinh tế cao, khi được nhiều người “đam mê” ẩm thực lựa chọn, như: Cá thòi lòi nướng muối ớt, kho tiêu, nấu canh chua, khô thòi lòi,… 

Theo ghi nhận của phóng viên, cá thòi lòi thương phẩm được các nhà hàng, quán ăn,… bán với giá trên dưới 150.000 đồng/kg tùy loại. Riêng khô thòi lòi có giá dao động khoảng 400.000 đồng/kg.

Từ đề xuất của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có đề xuất đặt hàng nghiên cứu khoa học về đề tài liên quan đến cá thòi lòi đến Bộ KH&CN, để có cơ sở thực hiện các quy trình nhằm đi đến tìm được chủ nhiệm và đơn vị chủ trì.

Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… leo cây - 1
Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… leo cây - 2
Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… leo cây - 3

Cá thòi lòi có thể lội nước, leo cây, bò trên cạn...

Theo đó, mục tiêu của đề tài là xác định cơ sở khoa học và thực tiển để xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá thòi lòi, góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi tại tỉnh Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL có điều kiện sinh thái tương tự.

Cụ thể, đánh giá hiện trạng nguồn lợi cá thòi lời tại địa phương; xác định đặc điểm sinh thái phân bố và đặc điểm sinh học của cá thòi lòi; xác định điều kiện lưu giữ và thuần dưỡng cá thòi lòi; xây dựng quy trình sản xuất giống và quy trinh nuôi thương phẩm cá thòi lòi; xây dựng các mô hình tuyên truyền, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi.

Thời gian thực hiện trong 36 tháng, dự kiến từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2023, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 8 tỷ đồng (từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương và ngân sách sự nghiệp khoa học địa phương).

Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… leo cây - 4

Đây cũng là loài cá có giá trị kinh tế cao.

Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… leo cây - 5

Cá thòi lòi có thể làm khô...

Cà Mau đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo tồn loài cá… leo cây - 6

... hoặc nướng tươi muối ớt.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, đề tài được đặt ra là hết sức cấp thiết, đáp ứng được các mục tiêu của chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia và quy hoạch phát triển du lịch bền vững ĐBSCL, cũng như của tỉnh Cà Mau nói riêng.

Khi được thực hiện thì đây được xem là nghiên cứu đầu tiên trong cả nước về loài cá độc đáo này.

Huỳnh Hải