1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57
  3. Tại sao lại thế?

Hội chứng "bàn tay người ngoài hành tinh": Kẻ nổi loạn trong chính cơ thể

Đức Khương

(Dân trí) - Thực tế, đây là một hiện tượng y học có thật và hiếm gặp, từng khiến giới khoa học phải kinh ngạc vì mức độ kỳ dị của nó.

Hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh: Kẻ nổi loạn trong chính cơ thể - 1

Hội chứng "bàn tay người ngoài hành tinh" (Alien Hand Syndrome - AHS) là một tình trạng thần kinh hiếm gặp (Ảnh: Medicalnewstoday).

Người mắc hội chứng này có thể bất ngờ bị chính một trong hai bàn tay của mình hành động độc lập, không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào từ não bộ có ý thức.

Thậm chí, bàn tay ấy có thể thực hiện những hành vi nguy hiểm, kỳ cục hoặc khiến chủ thể rơi vào những tình huống hết sức trớ trêu.

Cái tên "bàn tay người ngoài hành tinh" (Alien Hand Syndrome - AHS) không phải ngẫu nhiên mà có.

Nó mô tả đúng cảm giác của người bệnh khi một bàn tay bỗng dưng cư xử như thể nó có trí tuệ riêng, thậm chí còn đối nghịch với ý chí của chính họ.

Bàn tay tự ý hành động và chủ nhân bất lực

Một trong những hình ảnh nổi tiếng mô tả hội chứng này xuất hiện trong bộ phim kinh điển Dr. Strangelove or: How I Learned to Stop Worrying and Love the Bomb (1964) của đạo diễn Stanley Kubrick.

Trong phim, nhân vật do Peter Sellers thủ vai không thể kiểm soát được cánh tay phải của mình, liên tục giơ lên chào kiểu phát xít, hoàn toàn trái ngược với ý thức của anh ta.

Dù chỉ là yếu tố điện ảnh mang tính hài hước châm biếm, nhưng cảnh tượng đó lại gần như tái hiện chính xác biểu hiện thực tế của người mắc hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh.

Theo mô tả của các chuyên gia, hội chứng này xảy ra khi một bàn tay thực hiện các hành vi có mục tiêu mà hoàn toàn không có sự điều khiển của chủ thể.

Điều đáng nói là những hành vi này không đơn thuần là co giật hay run rẩy mà có thể rất phức tạp như cởi cúc áo, mở túi xách, nắm đồ vật, dập tắt thuốc lá, thậm chí là tự tấn công bản thân hoặc người khác.

Điển hình như trường hợp của bà Karen Byrne, 55 tuổi, sống tại New Jersey (Mỹ), từng mắc chứng động kinh kéo dài suốt nhiều năm và được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt thể chai - dải dây thần kinh nối hai bán cầu não.

Sau ca phẫu thuật thành công, bà Karen không còn lên cơn co giật, nhưng lại phát hiện tay trái của mình có những hành vi bất thường, không thể kiểm soát.

"Khi bác sĩ gọi tôi và nói "Karen, cô đang làm gì thế? Tay cô đang tự cởi áo kìa", tôi mới giật mình phát hiện bàn tay trái đang tự động mở cúc áo mà tôi không hề hay biết", bà kể.

Dù cố gắng cài lại áo bằng tay phải, nhưng tay trái lại tiếp tục cởi ra như một hành vi lặp đi lặp lại đầy thách thức.

Bà Karen cho biết thêm, bản thân từng châm một điếu thuốc và đặt lên gạt tàn, nhưng tay trái bất ngờ đưa ra và dập tắt điếu thuốc.

Thậm chí, hội chứng này còn lén lút lấy đồ trong túi xách khiến bà tưởng mình bị mất đồ. "Tôi không thể bắt nó nghe lời tôi được", bà nói.

Hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh: Kẻ nổi loạn trong chính cơ thể - 2

Bàn tay bị ảnh hưởng thực hiện các cử động không tự chủ, như cầm nắm đồ vật, vuốt tóc, cởi cúc áo, hoặc thậm chí là tự làm hại bản thân (Ảnh: Ifl science).

Tấn công chính mình, chống lại ý chí

Có những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh bị bàn tay "người ngoài hành tinh" tấn công thực sự.

Trong tài liệu y khoa từng ghi nhận một bệnh nhân bị tay trái dùng sợi dây cố siết cổ mình trong vô thức. Dù tay còn lại cố gắng gỡ bỏ, nhưng hai tay dường như đang đối đầu nhau trong cuộc chiến mà lý trí không còn kiểm soát nổi.

Hiện tượng này được giải thích là do sự gián đoạn trong quá trình giao tiếp giữa hai bán cầu não, thường xảy ra sau phẫu thuật cắt thể chai - vốn là biện pháp điều trị cuối cùng cho những bệnh nhân động kinh nặng.

Khi thể chai bị cắt, hai bán cầu não không thể trao đổi thông tin hiệu quả, dẫn đến việc một phần não - cụ thể là bán cầu điều khiển tay không thuận - có thể tự phát lệnh điều khiển bàn tay mà không cần qua "bộ phận kiểm duyệt" của ý thức.

Thông thường, người thuận tay phải sẽ bị ảnh hưởng ở tay trái và ngược lại, do bán cầu não điều khiển tay không thuận sẽ có xu hướng hoạt động độc lập hơn sau phẫu thuật.

Đây là lý do hội chứng "bàn tay người ngoài hành tinh" hiếm khi xuất hiện ở cả hai tay cùng lúc.

Hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh: Kẻ nổi loạn trong chính cơ thể - 3

Các cử động này không phải là co giật hay run rẩy mà là những hành động có vẻ có mục đích, mặc dù người bệnh không hề muốn thực hiện chúng (Ảnh: Grey Matters Journal).

Não bộ kỳ lạ và câu hỏi về ý thức thứ hai

Nhà thần kinh học Roger Sperry, người đoạt giải Nobel vì công trình về não bộ, từng thực hiện thí nghiệm trên bệnh nhân bị cắt thể chai để kiểm tra khả năng xử lý thông tin của từng bán cầu não.

Trong đó, một người đàn ông thuận tay trái được yêu cầu xếp các khối hình sao cho trùng khớp với hình mẫu.

Khi sử dụng tay trái, ông làm tốt. Nhưng khi đổi sang tay phải, ông hoàn toàn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí, khi tay trái cố gắng tiếp tục, tay phải lại cố tình phá rối.

Từ đó, Sperry đưa ra kết luận đáng chú ý: Mỗi bán cầu não có thể hoạt động như một hệ thống có ý thức độc lập, có khả năng nhận thức, nhớ lại, lý luận và cảm xúc riêng.

Nói cách khác, bên trong não bộ con người có thể tồn tại hai "cái tôi" riêng biệt, hòa hợp trong điều kiện bình thường, nhưng có thể xung đột nếu ranh giới điều khiển bị xóa nhòa.

Hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh: Kẻ nổi loạn trong chính cơ thể - 4

Hiện tại, không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh (Ảnh: Wamu).

Chưa có phương pháp điều trị triệt để

Hiện nay, hội chứng "bàn tay người ngoài hành tinh" vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.

Một số bệnh nhân học cách giảm thiểu ảnh hưởng bằng cách giữ tay bị ảnh hưởng luôn bận rộn, chẳng hạn như cầm vật gì đó hoặc đặt trong túi để tránh nó hành động tùy tiện.

Tuy nhiên, việc kiểm soát cũng không dễ dàng và hiếm khi hoàn toàn hiệu quả. Ngay cả những cử động cơ bản cũng có thể bị rối loạn, ví dụ khi muốn chạm vào mũi, người bệnh lại chạm vào tai hay vai.

Sự tồn tại của hội chứng kỳ lạ này không chỉ gây khó khăn cho người bệnh, mà còn mở ra những câu hỏi lớn trong lĩnh vực thần kinh học: Liệu con người thực sự chỉ có một ý thức thống nhất, hay đang sống chung với nhiều bản ngã khác nhau?

Ý chí và hành vi, rốt cuộc nằm ở đâu trong mê cung phức tạp của não bộ?

Dù còn rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá, hội chứng "bàn tay người ngoài hành tinh" là một minh chứng sống động cho sự phức tạp của con người.

Trong tương lai, khi y học và khoa học thần kinh phát triển hơn, hy vọng rằng hiện tượng kỳ lạ này sẽ được hiểu rõ hơn, và người bệnh sẽ không còn phải sống trong lo sợ trước chính một phần cơ thể của họ.