1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cá mái chèo cổ đại của Trung Quốc đã tuyệt chủng

(Dân trí) - Trong một báo cáo mới nhất, các nhà khoa học dẫn đầu bởi Hui Zhang thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc ở Vũ Hán, đã lập luận rằng cá mái chèo Trung Quốc (Psephurus joyius) có lẽ đã bị tuyệt chủng vào khoảng giữa năm 2005 và 2010.

Cá mái chèo cổ đại của Trung Quốc đã tuyệt chủng - 1
Cá mái chèo Trung Quốc mới được các nhà khoa học xác định đã tuyệt chủng thực sự.

Sự đánh bắt quá mức và sự phân mảnh môi trường sống đã bịt kín sự diệt vong của loài này. Và không có hy vọng để đưa nó trở lại.

"Vì không có cá thể nào tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt và không có mô sống nào được bảo tồn để hồi sinh tiềm năng nên có thể nói cá mái chèo cổ đại còn tồn tại đã tuyệt chủng”, Zhang và các đồng nghiệp cho biết trong báo cáo.

Cá mái chèo Trung Quốc là một sinh vật có đặc điểm ngoại hình khá ấn tượng với mõm lớn nhô ra. Cá mái chèo có thể dài tới 7 mét. Loài này trước đó được đánh bắt thường xuyên ở sông Dương Tử vào cuối những năm 1970. Năm 1981, một con đập lớn, đập Gezhouba, được xây dựng trên sông đã chia đôi quần thể cá mái chèo Trung Quốc.

Con đập cũng ngăn không cho cá bị mắc kẹt bên dưới nó bơi ngược dòng đến các nhánh sông nơi chúng có thể sinh sản. Loài này được liệt kê là một trong những động vật bị đe dọa nhất của Trung Quốc vào năm 1989, nhưng dân số của chúng vẫn tiếp tục giảm mặc dù có danh sách cảnh báo. Lần nhìn thấy cuối cùng của một con cá mái chèo Trung Quốc là vào năm 2003.

Zhang và nhóm của ông đã viết, cá mái chèo đã biến mất. Các nhà nghiên cứu đã lục tung các hồ sơ về việc nhìn thấy loài cá này từ năm 1981 và tiến hành khảo sát thực địa vào năm 2017 và 2018 của sông Dương Tử và các nhánh và hồ của nó: sông Yalong, sông Heng, sông Min, sông Tuo, sông Chishui, sông Jialing, sông Wu, sông Han, hồ Dongting và hồ Poyang.

Các nhà nghiên cứu đã thiết lập lưới đánh cá để bắt các loài trong các tuyến đường thủy này và khảo sát các chợ cá địa phương, tìm kiếm bằng chứng cho thấy loài cá mái chèo này vẫn có thể bị bắt.

Họ đã tìm thấy 332 loài cá nhưng không phải là một loài cá mái chèo Trung Quốc. Dữ liệu quan sát lịch sử cho thấy rất ít cá mái chèo được nhìn thấy sau khoảng năm 1995. Bằng chứng cho thấy cá ở thượng nguồn đập bị tuyệt chủng về chức năng - không thể sinh sản trong môi trường tự nhiên vào khoảng năm 1993. Loài này tồn tại đến khoảng năm 2005, hoặc có lẽ muộn nhất là năm 2010, các nhà nghiên cứu cho biết.

"Dựa trên trọng lượng của bằng chứng, loài này có thể được tuyên bố là tuyệt chủng với độ chắc chắn cao", các nhà nghiên cứu viết.

Các nhà nghiên cứu đã viết rằng sự mất mát của cá mái chèo Trung Quốc có bài học về cách đảm bảo sự sống sót của các loài Dương Tử bị đe dọa khác. Đầu tiên, các cuộc điều tra thường xuyên hơn về lưu vực sông sẽ cho phép các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ hơn về những loài đang vật lộn trước các nguy cơ.

Trước cuộc khảo sát năm 2017 do Zhang và nhóm của ông thực hiện, cuộc khảo sát cá toàn diện cuối cùng về Dương Tử và các nhánh của nó đã diễn ra vào năm 1975. Thứ hai, các nỗ lực cứu hộ nên bắt đầu nhanh hơn nhiều. Hầu hết các công việc căng thẳng được thực hiện để cứu cá mái chèo Trung Quốc bắt đầu sau năm 2006, có khả năng sau khi con cá đã biến mất. Để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài, các nỗ lực giải cứu nên bắt đầu trước năm 1993, khi loài cá này bị tuyệt chủng về chức năng.

Khôi Nguyên

Theo Live Science