Cá chết phủ trắng sông ở Australia: Nguyên nhân do đâu?

Minh Khôi

(Dân trí) - Hàng triệu con cá chết đã làm tắc nghẽn một đoạn sông rộng lớn gần một thị trấn của Australia.

Cá chết phủ trắng sông ở Australia: Nguyên nhân do đâu? - 1

Hàng triệu con cá chết và thối rữa đã làm tắc nghẽn một đoạn sông ở Australia (Ảnh: AFP).

Một video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một con sông ở Australia đang gặp phải tình trạng cá chết trắng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn.

Chính quyền thị trấn Menindee ngày 17/3 cũng đã xác nhận điều này, khi cho biết có đến hàng triệu con cá chết ở dọc sông Darling. Đoạn video được quay tại đây cho thấy những con thuyền đi xuyên qua lớp cá chết dày đặc, với phần nước hầu như bị che kín.

Mặc dù đây không phải lần đầu tiên khu vực này chứng kiến hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông, nhưng những người dân trong khu vực cho rằng tình trạng đang ngày một tệ hơn, khi số lượng cá chết ước tính trên sông lần này lớn hơn nhiều.

Vì sao cá chết trắng hàng loạt?

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng cá chết trắng ở sông Darling có thể là do sự thay đổi bất ngờ của nhiệt độ.

Trước đó, sông Darling từng có mực nước cao do lũ. Tuy nhiên vài ngày qua, khi nước lũ rút đi và nhiệt độ tăng lên, nồng độ oxy trong nước đã bị hạ thấp đáng kể, khiến cá bị thiếu oxy trầm trọng.

Cá chết phủ trắng sông ở Australia: Nguyên nhân do đâu? - 2

Đa số cá chết ở sông Darling là quần thể cá như cá trích và cá chép. Chúng bùng nổ sau những trận lũ lụt gần đây, nhưng đã chết hàng triệu con khi nước lũ rút đi (Ảnh: Yahoo).

Theo Nature, hiện tượng này gây ra tình trạng oxy cạn kiệt trong nước, cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cá chết. Đó là bởi đa số các loài cá sinh sống ở sông, hồ... chỉ có thể chịu được lượng oxy suy giảm trong thời gian ngắn. Nếu tình trạng này kéo dài từ vài ngày tới hàng tuần, cá sẽ bắt đầu chết hàng loạt.

Lý giải khoa học, chúng ta biết rằng oxy đi vào nước thông qua quá trình khuếch tán, thường hình thành do các dòng chảy. Tuy nhiên, mức độ oxy thực tế trong nước phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhiệt độ, lượng ánh sáng mặt trời có sẵn và lượng động/thực vật trong nước.

Thí dụ như ở 20 độ C, lượng oxy trong nước có thể dao động ở mức 9 mg/lít. Tuy nhiên cứ mỗi 10 độ C được gia tăng, lượng oxy trong nước sẽ giảm khoảng 1 mg/lít.

Ở nhiều khu vực (thường là các vùng có nhiều thủy sinh), nồng độ ôxy ở sông, hồ vào mùa hè có thể dao động rất đáng kể, với lượng ôxy siêu bão hòa trong nhiều giờ vào ban ngày, sau đó đột ngột giảm vào ban đêm.

Đó là bởi nhịp quang hợp của hệ thực vật dưới nước đã ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ oxy. Bên cạnh đó, sự thay đổi đột ngột lưu lượng nước và nhiệt độ cũng có ảnh hưởng tới nồng độ oxy trong nước.

Bên cạnh nguyên nhân tới từ nước lũ, cá cũng có thể chết do tảo sinh trưởng với số lượng lớn, còn gọi là "tảo nở hoa". Cụ thể, chỉ một thời gian ngắn sau khi tảo sinh trưởng, chúng sẽ chết, kéo theo quá trình phân hủy sử dụng oxy trong nước có sẵn cho cá.

Năm 2002, hiện tượng cá chết trắng đã được phát hiện bên trong một hồ nước ở Estonia. Sau khi khám nghiệm, người ta kết luận rằng cá chết là do sự kết hợp của tảo nở hoa và nhiệt độ môi trường tăng cao, khiến mặt nước thậm chí đóng váng, và cá không thể có đủ oxy trong nước để hô hấp.

Trên thực tế, đa số vụ cá chết hàng loạt ở Menindee trước đây đều được cho là do sông thiếu nước vì hạn hán kéo dài và do tảo độc nở hoa. Theo chính quyền địa phương, tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới khi cá bị phân hủy trên sông càng khiến cho khu vực này thêm ít oxy hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm