Bứt phá về năng suất, chất lượng nhờ đổi mới và sáng tạo công nghệ
(Dân trí) - Đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác.
Ngày nay nền kinh tế đổi mới sáng tạo (ĐMST) được coi như một học thuyết kinh tế tái định hình mô hình truyền thống của tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tri thức, công nghệ, kinh doanh và ĐMST được đặt ở vị trí trung tâm của mô hình, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy đổi mới và sáng tạo công nghệ đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.
Chuyển dịch mô hình tăng trưởng
Theo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%).
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đổi mới và sáng tạo công nghệ sẽ tiếp tục là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Để hiện thực hóa yêu cầu cao về vai trò của hệ thống Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn mới, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định, phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng của khoa học, công nghệ và ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Điểm mới về nhận thức trong Văn kiện Đại hội XIII về vai trò của KH&CN là không chỉ nhấn mạnh phát triển và ứng dụng KH&CN, mà còn đề cao yêu cầu ĐMST như một định hướng trung tâm của phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc. Trên cơ sở đó, một số chính sách lớn được khuyến nghị trong thời gian tới.
Công nghệ là gốc của đổi mới sáng tạo
Theo Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, ĐMST là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, đổi mới sáng tạo thường dựa vào nhiều nền tảng tri thức khác nhau. Các nền tảng tri thức này, về cơ bản được tạo ra, tích lũy và lan truyền dựa trên các thành tựu KH&CN. Như vậy, đổi mới sáng tạo có thể mang cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ nhưng trong đó công nghệ vẫn là cái gốc của sự ĐMST và tùy theo mức độ tác động mà công nghệ sẽ đóng vai trò trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình đó.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, đối với các doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm (bắt đầu từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới), đổi mới quy trình (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức (phương thức) tiếp cận và phát triển thị trường. Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác.
Theo ông Dũng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.
Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn công nghệ và hỗ trợ xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ là những hoạt động tối cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên có hệ thống và tính chuyên nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần phải xác định KH&CN - ĐMST phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KH&CN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.