Bướm đã tiến hóa để hút mật hoa trước cả khi hoa xuất hiện

(Dân trí) - Người ta thường cho rằng bướm và hoa luôn đi cùng với nhau, nhưng bằng chứng hóa thạch mới được tìm thấy đã mang lại một thông tin hết sức kinh ngạc: Tổ tiên của loài bướm đã tồn tại từ hàng chục triệu năm trước khi hoa xuất hiện.

Bướm đã tiến hóa để hút mật hoa trước cả khi hoa xuất hiện - 1

Ngài và bướm đã tồn tại từ xa xưa, lâu hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng, đã tiến hóa ít nhất 200 triệu năm trước. Điều này có nghĩa là trong khi chúng ta thường nghĩ về bướm đồng nghĩa với hoa, thì loài côn trùng này thật ra đã bay lượn tại khắp các cánh rừng trên thế giới hàng chục triệu năm trước khi hoa xuất hiện.

Bằng chứng xuất hiện trong hình dạng những lớp vảy cánh hóa thạch tí hon được phát hiện tại tâm một điểm khoan ở phía bắc nước Đức. Những lớp vảy này, đa dạng về dáng vẻ và hình thức, được tìm thấy trong một tầng địa chất có từ Kỉ Trias muộn, tức là chúng khoảng 200 triệu năm tuổi. Điều này có nghĩa là là lịch sử hóa thạch của Bộ Cánh vẩy giờ bị đẩy lùi về sau 70 triệu năm.

Công trình nghiên cứu này, được đăng trên trang Science Advances, cũng tìm ra điểm tương tự đáng kinh ngạc giữa những lớp vảy hóa thạch được phát hiện và những lớp vảy được tìm thấy trong một nhóm ngài sống được gọi là Glossata. Điều này rất thú vị vì nhóm ngài và bướm có miệng hút, còn gọi là vòi, thuộc nhóm Glossata.


Một vài trong số 70 mẫu vẩy hóa thạchcó từ Kỷ Trias - Ảnh từ Bas van de Schootbrugge.

Một vài trong số 70 mẫu vẩy hóa thạchcó từ Kỷ Trias - Ảnh từ Bas van de Schootbrugge.

Do đó phát hiện này ám chỉ rằng nguồn gốc tiến hóa của vòi, bộ phận được ngài và bướm thuộc nhóm Glossata sử dụng để hút mật hoa, còn có từ lâu đời hơn cả hoa. Nhưng khi tổ tiên hóa thạch của những loài côn trùng mới phát hiện gần đây này lần đầu tiên bay trên bầu trời, thì những cây có hoa – tên khoa học là thực vật hạt kín – vẫn chưa xuất hiện.

Bas van de Schootbrugge, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích với IFLScience: “Bộ Cánh vẩy có khả năng đã tiến hóa trong suốt Kỉ Trias, và đặc biệt là trong suốt nửa sau của Kỉ Trias khi khí hậu nóng và khô. Vậy nên chúng tôi cho rằng việc phát triển bộ phận miệng để hút chất lỏng – “lưỡi” bướm – là sự thích nghi được thúc đẩy bởi nhu cầu duy trì chất lỏng”.


Vẩy của loài Glossata sống cho thấy một sự tương tự đáng kinh ngạc với mẫu hóa thạch được tìm thấy - Ảnh từ Hossein Rajaei.

Vẩy của loài Glossata sống cho thấy một sự tương tự đáng kinh ngạc với mẫu hóa thạch được tìm thấy - Ảnh từ Hossein Rajaei.

Trong thời gian đó, trái đất bị chi phối bởi các loài thực vật hạt trần, như cây thông, cây mè và cây bạch quả. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng bộ phận miệng của những loài côn trùng này sau đó đã bị thu ngắn lại để hút những giọt nước ngọt do những loài thực vật này sản sinh ra vì giờ chúng có thể khai thác nguồn tài nguyên mới này.

Khi thực vật hạt kín bắt đầu trở thành loài thực vật chi phối khoảng 120 triệu năm trước, bướm và ngài đã được trang bị tốt để đổi nguồn thức ăn.

Điều này được ủng hộ bởi bằng chứng phân tử. Theo van de Schootbrugge: “Dựa trên đồng hồ phân tử, Bộ Cánh vẩy đã tách ra khỏi nhóm Bộ Cánh lông trong Kỉ Trias, có lẽ là sau sự tuyệt chủng Kỉ Permi”.

Có thể là sau sự kiện tuyệt chủng cuối Kỷ Trias, khi phần lớn các loài côn trùng vô sự sống sót, loài bướm và ngài mới tiến hóa sau đó đã phát triển xa hơn.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)