Bức ảnh cuối cùng tàu đổ bộ sao Hỏa của NASA gửi về Trái Đất
(Dân trí) - Bức ảnh bao quát một vùng đồng bằng rộng lớn phủ đầy dung nham và bụi từ khoảng cách 87 triệu km so với Trái Đất. Có lẽ tàu Insight của NASA vừa gửi về bức ảnh cuối cùng nó chụp được của hành tinh Đỏ.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu vào đầu năm 2019 đến nay, con tàu đổ bộ này đã giúp chúng ta mở mang tầm hiểu biết rất nhiều về sao Hỏa. Hiện nay, các tấm pin mặt trời của tàu đã phủ đầy bụi, năng lượng của nó đang cạn dần và cũng chỉ nay mai đây thôi nó sẽ không còn hoạt động được nữa.
Chúng ta biết ngày này sẽ đến. NASA đã thông báo từ hồi tháng 5/2022 là hoạt động khoa học của tàu InSight sẽ ngừng vào khoảng cuối năm. Và thực tế đáng buồn này đang xảy ra, chúng ta sẽ phải nói lời tạm biệt với một "người tiên phong" nữa trong công cuộc khám phá sao Hỏa.
Trên tài khoản Twitter, NASA đã đăng bức ảnh cuối cùng mà InSight gửi về, và chắc là con tàu không thể gửi thêm được gì nữa vì năng lượng của nó đã quá yếu để truyền đi lượng dữ liệu lớn của những bức ảnh. "Năng lượng của tôi thực sự còn rất ít, vì thế đây rất có thể là bức ảnh cuối cùng tôi có thể gửi đi. Nhưng cũng đừng lo cho tôi, thời gian của tôi ở đây vừa hiệu quả vừa yên bình. Nếu tôi có thể tiếp tục nói chuyện với nhóm chuyên gia của mình, tôi sẽ tiếp tục nói - nhưng sẽ không được lâu nữa đâu. Cảm ơn bạn đã ở bên tôi", NASA viết trên Twitter.
Không giống như những phòng thí nghiệm robot khác trên sao Hỏa, như là tàu Curiosity và tàu Perseverance, InSight không phải là tàu tự hành. Nó là tàu đổ bộ, tức là sau khi hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa, nó chỉ đứng im một chỗ, và địa điểm của nó là ở ranh giới giữa các cao nguyên đầy các hố va chạm ở phía Nam với các đồng bằng ở phía Bắc. Ở đây, cùng với bộ thiết bị giám sát hoạt động bên trong sao Hỏa, con tàu đã khám phá ra rằng sao Hỏa không phải gần như hoang vu chết chóc như chúng ta vẫn tưởng suốt một thời gian dài.
Thay vào đó, trong lòng sao Hỏa luôn xảy ra những rung chuyển bởi những hoạt động địa chấn và có thể là núi lửa. Thông tin này thật đáng kinh ngạc vì một số lý do sau.
Thứ nhất, toàn bộ hoạt động bên trong đó tạo ra sóng âm địa chấn dội lại bên trong sao Hỏa, cung cấp các thông tin địa chấn để các nhà khoa học có thể lập bản đồ chi tiết đầu tiên về cấu trúc bên trong của hành tinh này.
Thứ hai, các thiết bị của tàu cũng đủ nhạy để phát hiện ra các vẫn thạch rơi xuống sao Hỏa mà các nhà khoa học vẫn theo dõi để đánh dấu những hố va chạm mới. Thông tin này có thể giúp họ hiểu rõ hơn về lịch sử của sao Hỏa, qua đó có thể giải thích một số đặc điểm địa chất và khí quyển nơi đây.
Thứ ba, dữ liệu về hoạt động núi lửa ở đây cũng đầy bất ngờ. Sao Hỏa quá lạnh và bầu khí quyển của nó quá loãng để nước ở dạng lỏng có thể đọng lại trên bề mặt, điều này có nghĩa là sự sống như chúng ta biết đến sẽ không thể tồn tại được ở đây.
Nhưng nếu trong lòng sao Hỏa có hoạt động của núi lửa thì nội nhiệt đó có thể giữ cho các hồ bên dưới bề mặt không bị đông cứng, và như thế về mặt lý thuyết vi sinh vật có thể tồn tại được ở đây.
Như vậy cho dù mới chỉ hoạt động gần 4 năm, tàu InSight đã mang lại cho chúng ta cách nhìn về một sao Hỏa rất khác so với trước đây chúng ta vẫn nghĩ hành tinh này là một quả cầu đầy bụi cằn cỗi, đóng băng.
Vào năm 2019, tàu tự hành Opportunity của NASA cũng đã trải qua kết thúc tương tự như tàu InSight, khi đó lớp bụi dày che phủ các tấm pin mặt trời của Opportunity không thể rũ sạch được nữa.
Cũng may là chúng ta chưa phải lo lắng về hai tàu Curiosity và Perseverance vì cả hai tàu tự hành này đều hoạt động bằng năng lượng từ phân rã phóng xạ của plutonium và chúng sẽ vẫn hoạt động được cho đến khi các máy phát điện đó cạn kiệt, cho dù có bao nhiêu bụi sao Hỏa phủ lên đi nữa.
Tàu InSight chưa hoàn toàn ngừng hoạt động. NASA sẽ tiếp tục duy trì liên lạc đến chừng nào còn có thể. Nhưng ngày đó đang đến rất nhanh và con tàu sẽ sớm gia nhập đội ngũ những tàu thám hiểm đã ngừng hoạt động trước đó và nằm lại trong nghĩa địa hoang vắng của những con tàu thám hiểm sao Hỏa mà con người gửi đi.