Bộ xương người cổ nhất châu Mỹ được tìm thấy ở nghĩa địa “Hố đen” của Mê-xi-cô

(Dân trí) - Một bộ xương người 12.000 năm tuổi được tìm thấy giữa đống tàn tích của sư tử núi, hổ răng kiếm và gấu trong một hang động dưới nước ở Mê-xi-cô. Phát hiện này đã mang đến một cái nhìn sâu sắc về cách những loài động vật khổng lỗ tuyệt chủng đã sống và di cư đến châu Mỹ như thế nào.


Một bộ xương người 12.000 năm tuổi đã được tìm thấy giữa đám xương của những con hổ răng kiếm và lười đất khổng lồ.

Một bộ xương người 12.000 năm tuổi đã được tìm thấy giữa đám xương của những con hổ răng kiếm và lười đất khổng lồ.

Các thợ lặn đã phát hiện thứ được cho là tàn tích của một bộ xương người cổ nhất và hoàn thiện nhất ở châu Mỹ. Họ đã lặn xuống hang Hoyo Negro hay còn gọi là “Hố đen” thuộc bán đảo Yacatán ở độ sâu 55m dưới nước.

Bộ xương người cổ nhất châu Mỹ được tìm thấy ở nghĩa địa “Hố đen” của Mê-xi-cô - 2

Cái hố này giống như một cái bẫy đối với các động vật ở kỷ băng hà 13.000 năm trước. Các loài động vật, gồm có sư tử núi và heo vòi, cũng như một số loài đã tuyệt chủng khác, trong đó có hổ răng kiếm, gấu mặt ngắn và voi răng mấu và một loài lười đất khổng lồ chưa từng được biết đến trước đây.

Có lẽ, trong kỷ băng hà trước kia, khi mặt nước biển thấp hơn, những con vật này đã thoải mái đi dọc các đường hầm này và cuối cùng đã tìm thấy chiếc Hố Đen mà chúng không thể tránh thoát này.

Các nhà cổ sinh vật học chuyên về hang động ở Đại học Bang East Tennessee trình bày về phát hiện này hôm thứ Bảy vừa rồi tại hội nghị thường niên của Hiệp hội cổ sinh vật học về động vật có xương sống tổ chức tại Alberta, Canada.

Việc tìm thấy bộ xương người này – của một người phụ nữ trưởng thành – có lẽ là phát hiện thú vị nhất. Nhà khoa học Schubert cho biết “đây là bộ xương người hoàn thiện nhất và lâu đời nhất ở châu Mỹ, và đặc biệt là bộ xương này lại còn tồn tại cùng với hệ động vật khổng lồ rất đa dạng”.

Bộ xương người cổ nhất châu Mỹ được tìm thấy ở nghĩa địa “Hố đen” của Mê-xi-cô - 3

“Tình trạng bảo tồn hóa thạch này hết sức bất thường, và cho phép chúng ta tái tạo lại các khía cạnh khác nhau về giải phẫu học, các mối quan hệ tiến hóa, và hành vi. Sự đa dạng của hệ động vật mang đến cho chúng ta một bức tranh mới đầy thú vị về khu vực này trong hoàn cảnh khí hậu và môi trường thay đổi một cách nhanh chóng”.

Những chiếc xương này có niên đại từ lâu, sau khi cây cầu đất Panama hình thành và nối liền Trung và Nam Mỹ khoảng 3 triệu năm trước. Điều này cho phép các loài động vật lớn đi qua cây cầu này theo cả hai hướng và mở rộng phạm vi của chúng ra hàng ngàn kilomet.

Những gì còn lại của một con gấu mặt ngắn – họ hàng của loài gấu bốn mắt ngày nay – là một ví dụ về sự di cư của hệ động vật lớn ở châu Mỹ. Nhà khoa học Schubert cho hay: “những thứ còn lại của loài gấu mặt ngắn Arctotherium này cực kỳ quan trọng, nó không chỉ đại diện cho một bộ xương hoàn chỉnh và phong phú nhất tìm thấy ở cùng một chỗ, mà còn là bằng chứng đầu tiên về việc chúng đã vượt qua Nam Mỹ để tới Bắc Mỹ”.

Trước đó, vào năm 2007, nhóm thợ lặn đã hoàn toàn kinh ngạc khi phát hiện một vực sâu rộng tới 60m và bị lấp đầy bởi xương của các loài động vật đã tuyệt chủng.

Bộ xương người phụ nữ mà họ tìm thấy được đặt tên là Naia. Các phân tích xương răng của Naia cho thấy AND của cô hoàn toàn phù hợp với của người Mỹ bản địa hiện đại. Điều này có nghĩa là những người Mỹ đầu tiên đã di cư từ Siberi đến đây qua một cây cầu đất (hiện cây cầu này đã không còn tồn tại).

Anh Thư (Tổng hợp)