DMagazine

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh “tiết lộ” những bước đi để phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới

(Dân trí) - Năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, khoa học và công nghệ đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, khoa học và công nghệ đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, năm 2019 ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ của khoa học và công nghệ khi các bộ, ngành, cơ quan đã chung tay cùng Bộ và ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang ngày càng thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). KH&CN ngày càng gắn bó mật thiết và đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh “tiết lộ” những bước đi để phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới - 1

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được hoàn thiện để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KH&CN; khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên và ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu; xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để công khai, minh bạch các thông tin về nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo đảm chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, hàng hóa và phục vụ xuất khẩu; quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực.

Những con số cho thấy sự đóng góp thực chất, đáng kể của khoa học công nghệ

Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết những thành tựu KH&CN nổi bật năm 2019 đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:

Các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng mang tính liên ngành, đa ngành. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam năm 2019 tăng 1,3 lần so với năm 2018.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh “tiết lộ” những bước đi để phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới - 2

Bộ tiếp tục hoàn thiện các quy định và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Thực hiện nhiệm vụ đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ trì triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với một số kết quả ban đầu hết sức khả quan: Dự án Bản đồ số Việt Nam; Dự án Hệ thống thông tin Nhân đạo số; Dự án Số hóa di sản văn hóa Việt; Dự án Dữ liệu du lịch; Dự án Dữ liệu y tế...

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương với các kết quả rất cụ thể, đóng góp hiệu quả vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, y tế, du lịch…, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã được triển khai. Ngoài Techfest quốc gia được tổ chức thường niên, năm 2019, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore để kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với thế giới.

Với các nỗ lực của cả hệ thống, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2019 của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Đổi mới công nghệ ở Việt Nam cần cơ bản tập trung vào học hỏi

Trong năm vừa qua, quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam đã diễn ra khá sôi động, Bộ KH&CN đã thực thi những hành động, chiến lược gì để giúp doanh nghiệp tiếp cận và phát triển công nghệ nhanh hơn cũng như đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:

Bộ KH&CN đã xác định đổi mới công nghệ ở Việt Nam cần cơ bản tập trung vào học hỏi và bắt kịp trình độ công nghệ của các nước đi trước thông qua xây dựng năng lực tiếp thu, thích nghi, làm chủ và cải tiến công nghệ với sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước và sự tham gia chủ động, tích cực của doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh “tiết lộ” những bước đi để phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới - 3

Đổi mới công nghệ ở Việt Nam cần cơ bản tập trung vào học hỏi và bắt kịp trình độ công nghệ của các nước đi trước. 

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã nỗ lực xây dựng, trình Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chương trình hành động cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực tăng cường hoạt động KH&CN để tạo nền tảng vững chắc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu như: Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình hành động thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị...

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động; thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp… thông qua các Chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Đồng thời, khuyến khích nhập khẩu công nghệ tiên tiến, giải mã, làm chủ và bản địa hóa công nghệ nhập; liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đổi mới công nghệ.

Các dịch vụ KH&CN được đẩy mạnh, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình chợ công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch điện tử, các trung tâm giao dịch công nghệ nhằm thúc đẩy việc kết nối, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp với viện, trường và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Với những giải pháp, hành động quyết liệt như trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:

Với những giải pháp, hành động quyết liệt trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy được chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2% (theo giá cố định) - cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%.

Về vấn đề đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng và triển khai một số chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời quy định chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Bộ KH&CN cũng đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong nước nhập khẩu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới thông qua các nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đến năm 2020, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Đồng thời, Bộ đã chủ động tổ chức 11 Sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ từ năm 2011 đến năm 2019 cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, kết nối ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Mỹ... vào Việt Nam. Các sự kiện đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu 3.058 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các tổ chức KH&CN, viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; gần 150 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ đã được ký với giá trị hơn 2.257,7 tỷ đồng.

Tập trung giải quyết “đơn đặt hàng” của Thủ tướng

Nhân ngày KH&CN Việt Nam 2019, Thủ tướng đặt hàng Bộ KH&CN 5 vấn đề, trong đó có việc tái cấu trúc chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, công nghệ thông tin. Bộ KH&CN đã chuẩn bị triển khai vấn đề này như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN kết thúc vào năm 2020; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cấu trúc các chương trình KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Mục tiêu chính nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó xây dựng nội dung các Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm, xác định các mục tiêu khả thi và phù hợp với nguồn lực được giao, đảm bảo triển khai không gián đoạn và hiệu quả các chương trình. Xác định KH,CN&ĐMST là động lực tăng trưởng mới, là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo tiền để để KH,CN&ĐMST trở thành nội dung trọng tâm, xuyên suốt và thẩm thấu trong nội dung phát triển của các ngành, các địa phương; thực sự coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thông qua các chương trình KH&CN quốc gia để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ KH&CN đã và đang xây dựng khung tổng thể quốc gia về các chương trình KH&CN, trong đó thể hiện rõ vai trò, chức năng của từng chương trình trong mối tương quan, liên kết và lan tỏa, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, có sự bổ trợ, cộng hưởng giữa các chương trình KH&CN cấp quốc gia, hoạt động của các quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia...

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào các định hướng tái cơ cấu các Chương trình trong lĩnh vực tự nhiên như: Vật lý, Hóa học, Khoa học sự sống, KH&CN liên ngành; khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đặc biệt là khoa học lý luận chính trị.

Tái cơ cấu các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia theo hướng tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi, công nghệ nguồn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tái cơ cấu các Chương trình KH&CN quốc gia, đặc biệt là 03 chương trình quốc gia: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao theo hướng lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y dược...

Hiện thực hóa mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KH&CN trong năm 2020

Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KH&CN, tuy nhiên, hiện nay đang gặp khá nhiều vướng mắc. Bộ trưởng có thể chia sẻ về giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu nay và kỳ vọng về đóng góp của các doanh nghiệp này vào phát triển đất nước, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài sẽ có vai trò gì?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:

Đúng là hiện nay trong quá trình thực hiện chiến lược này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách. Nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp,… và các văn bản hướng dẫn các Luật trên để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN nhằm bảo đảm sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh “tiết lộ” những bước đi để phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới - 4

Đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách,để hiện thực hóa 5.000 doanh nghiệp KH&CN trong năm 2020. 

Đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH,CN&ĐMST, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; cơ chế đánh giá, thẩm định, công nhận kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ… được thực hiện thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương hội nhập quốc tế của đất nước.

Đối với các tỉnh, thành phố, tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp về đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Hình thành các cơ sở ươm tạo tiệm cận với mô hình ươm tạo của các nước khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tích cực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hoạt động chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hùng

Thực hiện