Bộ trưởng Chu Ngọc Anh "than khó" khi nhận câu hỏi lớn về sở hữu trí tuệ
(Dân trí) - Khi được yêu cầu cho biết về những khó khăn khi thực thi sở hữu trí tuệ đằng sau các Hiệp định FTA và CPTPP, giải pháp để Việt Nam áp dụng hiệu quả nội dung về các sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đành phải thừa nhận đây là một câu hỏi lớn và thực sự… rất khó.
Chiều 15/8, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bất ngờ nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai xoay quanh câu chuyện về sở hữu trí tuệ.
“Hiện nay đang trong tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng, chúng ta đã tham gia rất nhiều các hiệp định cam kết quốc tế về hợp tác phát triển, trong đó vấn đề sở hữu trí tuệ thì được các quốc gia quan tâm và coi trọng, đó là một trong những yếu tố rất được quan tâm của các nước. Vậy Bộ trưởng cho biết những khó khăn khi thực thi sở hữu trí tuệ đằng sau các Hiệp định FTA và CPTPP là gì và Bộ trưởng có giải pháp nào để Việt Nam áp dụng hiệu quả nội dung về các sở hữu trí tuệ”, đại biểu Thanh Mai nêu vấn đề chất vấn.
Trước vấn đề nêu ra, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận đây là một câu hỏi lớn và thực sự rất khó với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng như rất nhiều bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên người đứng đầu Bộ KH&CN cũng cho hay, sở hữu trí tuệ và cụ thể là tài sản trí tuệ tạo ra của mỗi quốc gia thì sẽ rất quan trọng. Trước mắt là làm sao tổ chức thực thi hiệu quả được những cam kết mà chúng ta đã ký kết được, dài hạn hơn thì nó phục vụ cho năng lực cạnh tranh quốc gia để chúng ta vươn lên.
“Chúng tôi rất chia sẻ cơ quan đầu mối và thường trực việc này là Bộ Công Thương đã hết sức quyết liệt và kịp thời ra chương trình hành động để triển khai thực thi các hiệp định FTA đã ký kết. Trong đó chúng tôi thấy có 4 nội dung quan trọng xin báo cáo Quốc hội, thứ nhất là tất cả các bộ, ngành có liên quan phải rà soát pháp luật để làm sao chúng ta đáp ứng được đúng cam kết đó, qua đó chúng ta thực thi.
Thứ hai, tổ chức tuyên truyền như thế nào để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế nắm được tinh thần đó, mình có lợi thế và đã được bảo hộ, qua đó tận dụng được và áp lực đi kèm là gì.
Thứ ba, cụ thể hoá mỗi bộ, ngành đều phải có chương trình hành động để tổ chức thực hiện việc này.
Thứ tư, về dài hạn hơn, mỗi bộ, ngành, địa phương cũng phải xem tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và nền kinh tế của mình để làm sao đáp ứng được điều chỉnh do áp lực của ký kết thực hiện”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Nhìn từ góc độ khoa học, công nghệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thẳng thắn cho biết: Công sức của đoàn đàm phán có nhiều điểm rất lớn. Ví dụ, sở hữu trí tuệ đằng sau CPTPP vừa rồi đã được Quốc hội thông qua rất cao để ủng hộ cho những cam kết thông qua sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. 20 nội dung sở hữu trí tuệ đã có tới 11 nội dung mà các thành viên trong đoàn đàm phán đấu tranh được gia hạn, nghĩa là thêm thời hạn bảo hộ. Ví dụ, bảo hộ được thêm thời hạn 5 năm cho dữ liệu thực nghiệm dược phẩm. Liệu Bộ Y tế, ngành y tế có một chương trình hành động để tận dụng được cơ hội hay không là một việc rất cụ thể.
Tương tự như vậy, đối với hiệp định với châu Âu vừa rồi mà chúng ta rất thắng lợi, trong đó có một chương và 63 điều về sở hữu trí tuệ. Rất vui là hai luồng hàng sẽ bổ trợ lẫn nhau chứ không xung đột và cạnh tranh trực tiếp. Có 69 chỉ dẫn địa lý từ châu Âu vào Việt Nam. Tương tự như vậy, Việt Nam có 39 chỉ dẫn địa lý về mặt hàng. Chúng ta ngay lập tức phải làm rõ những mặt hàng này là gì để chương trình hành động đi kèm và thực hiện.
“Đối với riêng ngành KH&CN, chúng tôi đã ra chương trình hành động này, rất khó khăn, áp lực với anh em, bởi cách đây vài năm việc tồn đơn xử lý của sở hữu trí tuệ vẫn còn hiện hữu. Nhưng vài năm trở lại đây, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ đã bắt đầu tăng tốc từ trên 40.000 đơn và bây giờ tới 90.000 đơn các loại mỗi năm, đây là một khối lượng rất khổng lồ”, bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng thông tin thêm, 6 tháng đầu năm 2019 có hai việc rất quan trọng, đó là số lượng đơn tăng tới 28% nhưng 67% trong tổng số đơn này được bảo hộ, có nghĩa là hoạt động đổi mới sáng tạo và cạnh tranh của ta để đóng góp vào là số bảo hộ tăng tới 67%. Tương tự như vậy, hợp đồng chuyển nhượng đối tượng sở hữu công nghiệp, đây là đối tượng mà xung quanh các cam kết rất quan tâm, vừa rồi tăng tới 23%.
“Trách nhiệm của chúng tôi, ví dụ như trong phê duyệt của Quốc hội tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ thì có 5 nội dung là cách thức nộp đơn, quy định sáng chế, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và bảo vệ quyền. Riêng khâu thực thi bảo vệ quyền thì đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của tất cả các cơ quan liên quan. 4 nội dung còn lại quay trở về là áp lực đối với quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chúng tôi phải tăng cường áp lực này. Chúng tôi cũng đã thể hiện cao độ việc đó bằng cách xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, làm thế nào tăng đầu vào, làm thế nào khai thác đầu ra và cam kết thực thi rất cụ thể, đã trình lên Thủ tướng. Báo cáo Quốc hội chắc là trong tháng này sẽ triển khai luôn chiến lược quốc gia này”, bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Nguyễn Hùng