1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam

Minh Khôi

(Dân trí) - Xuất phát từ yêu thích nghiên cứu khoa học, một học sinh lớp 9 sống tại Buôn Ma Thuột đã gây bất ngờ cho cộng đồng mạng khi sở hữu bộ sưu tập gần 50 tiêu bản nhuộm xương độc đáo.

Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 1

Bộ sưu tập tiêu bản độc đáo của Nguyễn Tiến Minh Duy (Ảnh: Clement Nguyen).

Từ lâu, quá trình tiêu bản nhuộm xương (Diaphonization) đã giúp các nhà nghiên cứu quan sát rõ hơn, từ đó có những ý tưởng về nhận biết quá trình phát triển của sụn và xương, hay so sánh cấu trúc xương giữa các loài động vật khác nhau.

Về cơ bản, đây là quá trình sử dụng các hóa chất để làm trong suốt phần thịt của tiêu bản, rồi nhuộm màu cho phần xương và mô/sụn của tiêu bản. Từ quá trình này, các nhà khoa học có thể điều chế ra các chế phẩm có khả năng trưng bày vĩnh viễn, chủ yếu là các động vật nhỏ như cá, bò sát, động vật lưỡng cư.

Thế nhưng ngày nay, kỹ thuật Diaphonization không được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực khoa học. Nguyên nhân là bởi để làm ra một tiêu bản hoàn chỉnh thường là khá lâu. Do đó, phương pháp thường không đáp ứng được tính thực tiễn trong khoa học, đặc biệt là khi ngày nay đã có nhiều công nghệ mô phỏng 3D, cho phép so sánh và đối chiếu một cách trực quan hơn.

Thay vào đó, Diaphonization dần chuyển sang như một hình thức nghệ thuật, phục vụ cho việc trưng bày mẫu vật trong các viện bảo tàng, hoặc để sưu tầm và trưng bày đối với những người có hứng thú.

Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 2

Mẫu vật được Duy thu thập từ tiệm cá cảnh, pet shop, cũng như anh em và họ hàng xung quanh mình (Ảnh: Clement Nguyen).

Xuất phát từ yêu thích nghiên cứu khoa học, Nguyễn Tiến Minh Duy, một cậu học sinh lớp 9 sống tại Buôn Ma Thuột đã gây bất ngờ cho cộng đồng mạng khi sở hữu bộ sưu tập gần 50 mẫu vật được sưu tầm theo phương pháp này.

Bài viết được Duy (với nickname Clement Nguyen) về bộ sưu tập này sau khi đăng tải trên nhóm Facebook Cộng đồng Designer Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn, đã thu hút hơn 27.000 lượt like, 1.400 bình luận và 1.500 lượt chia sẻ.

Được biết, những xác động vật này gồm cá cảnh, cá ngựa, rắn nhỏ... được Duy thu thập từ tiệm cá cảnh, pet shop cũng như anh em và họ hàng xung quanh mình. "Em làm cho cái chết có vẻ đẹp riêng", Duy tự hào nói.

Một vài hình ảnh được chia sẻ về bộ sưu tập của Duy:

Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 3
Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 4
Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 5
Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 6
Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 7
Bộ sưu tập tiêu bản nhuộm xương của cậu học sinh lớp 9 tại Việt Nam - 8

Duy chia sẻ, sở dĩ có được những tiêu bản đẹp như vậy, là vì chất hóa học sử dụng trong toàn bộ quá trình có thể tẩy protein trong tế bào động vật, khiến chúng trở nên trong suốt và cho phép nhuộm xương của động vật đã chết trở thành những màu độc đáo.

Tuy nhiên, do tính chất phải làm việc với nhiều loại hóa chất khác nhau, đa phần độc hại, nên các chuyên gia cảnh báo cần đặc biệt lưu ý phải có sự đầu tư chỉn chu về găng tay, trang thiết bị bảo hộ, và tốt nhất là nên được thực hiện bên trong một phòng thí nghiệm tách biệt khỏi không gian sống.

Ngoài ra, để làm ra một tiêu bản hoàn chỉnh cũng khá khó và vất vả, lại mất nhiều thời gian. Do vậy, bộ môn này thường đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ rất cao ở người thực hiện.

Quy trình để hoàn thiện sản phẩm cũng nhiều bước "rùng rợn", như xử lý phần da, nội tạng của động vật đã chết, rồi ngâm tẩm các loại hóa chất để khiến cơ thể như "tan rã". Sau đó, lại cần rất cẩn thận để hóa chất không bị hỏng. Thông thường, những nhà sưu tầm tiêu bản động vật giữ chúng trong dung dịch glycerol.

Tuy nhiên nếu được thực hiện đúng cách và thành công, những tiêu bản nhuộm xương có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy, từ đó giúp người xem có cơ hội quan sát động vật theo một cách hoàn toàn mới mẻ.