Bộ kit test virus corona mới của Việt Nam có gì đặc biệt?
(Dân trí) - Thượng tá Hồ Anh Sơn cho biết, bộ kit test của chúng ta đã tối ưu hóa để còn một phản ứng nên hiệu suất, công suất gấp 4 lần so với kit giai đoạn đầu của CDC Hoa Kỳ.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo sáng 5/3. Thượng tá Hồ Anh Sơn – Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân Y, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Để có thể sản xuất được bộ kít đầu tiên chúng ta phải có các ty di truyền của con virus để xem nó có cấu trúc như thế nào, phân bổ ra sao thì mới có “vũ khí” để khắc chế nó. Những thông tin này được các nhà khoa học công bố vào giữa tháng 1/2020 và nhóm nghiên cứu đã thu thập được thông tin và có kết nối với Viện dịch tễ của Đức để nhờ họ cung cấp. Thời điểm này chưa có câu chuyện giao đề tài nghiên cứu mà chỉ là một phản xạ hết sức tự nhiên trước một mầm bệnh mới nổi. Quá trình tiếp cận như vậy thì nhóm đã dần tối ưu được các quy trình và thực hiện trong các labo phòng thí nghiệm.
Sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, của Học Viện Quân y về việc xây dựng một đề tài nghiên cứu độc lập sản xuất kit để chuẩn đoán nhanh thì nhóm được lựa chọn. Ngày 7/2, Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ nghiên cứu cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thì khoảng 2 tuần sau công ty đã ra được sản phẩm đầu tiên để có thể thử nghiệm được.
Hai tuần tiếp theo, với sự hỗ trợ đắc lực của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì nhóm đã hoàn thành giai đoạn đầu của nhiệm vụ trước thời hạn khoảng 3 ngày (Bộ Khoa học và Công nghệ yêu câu trong vòng 1 tháng phải có kit test virus corona mới (nCoV)-PV).
Trong quá trình thử nghiệm ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng được các nhà khoa học thực hiện rất sáng tạo khi sử dụng bộ kit thử nghiệm trên 5 máy PCR khác nhau, các loại máy này đang phổ biến nhất tại Việt Nam nhằm mục đích khi bộ kit được đánh giá tốt thì ngay lập tức được chuyển giao về các địa phương mà chúng ta không mất quá nhiều thời gian chuyển giao, huấn luyện.
“Bộ kit được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá rất là tốt, ví dụ ngưỡng phát hiện là 5 copy/1 phản ứng; độ nhạy, độ đặc hiệu là 100%. Toàn bộ mẫu bệnh phẩm mà chúng tôi thử nghiệm đều cho kết quả chính xác (mẫu bệnh phẩm bệnh và mẫu bệnh phẩm không bệnh)”, Thượng tá Hồ Anh Sơn nói.
Thượng tá Sơn cũng chia sẻ thêm: Vì chúng ta là những người đi sau so với thế giới (khoảng vài tuần) nên nhóm nghiên cứu cũng đã tận dụng được lợi thế này để tối ưu hóa bộ kit. Nếu như bộ kit của CDC Hoa Kỳ cung cấp giai đoạn đầu thì họ làm 4 phản ứng nên tối đa trong 1 lần chạy là 24 mẫu còn chúng ta đã tối ưu hóa nên chỉ còn 1 phản ứng nên hiệu suất, công suất là gấp 4 lần – nghĩa là 1 lần chạy được tối đa 96 mẫu. Thời gian chạy là hơn 1 tiếng.
“Đây mới chỉ là thành công giai đoạn đầu bởi để một sản phẩm khẳng định được chất lượng hơn thì cần thêm một thời gian nữa thì tiếp tục tối ưu tốt hơn. Đề tài này chúng tôi được giao nhiệm vụ trong 18 tháng”, Thượng tá Sơn nhấn mạnh.
“Với quy trình thông thường để ra được bộ kit thường là 4 năm (2 năm nghiên cứu và 2 năm phát triển dự án để triển khai sản xuất) nhưng với thời gian gần 1 tháng với sự nỗ lực làm việc không có ngày đêm cũng với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước thì Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã cho ra đời được bộ kit với chất lượng tương đương với quốc tế. Đây là một điều mà chúng tôi rất vui mừng, không phải vì được khen với các nhóm nghiên cứu khác mà là chúng ta có thêm được một vũ khí hết sức hữu ích để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh”.
Vào 16h00 ngày 03/3/2020, Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 08/08 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kít real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.
Ngày 04/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 02 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm nCoV được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh.
Nguyễn Hùng