Nguyên nhân sâu xa của việc bùng phát đại dịch Covid-19 là gì?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có thể là một nhân tố gây ra đại dịch Covid-19.

Nguyên nhân sâu xa của việc bùng phát đại dịch Covid-19 là gì? - 1

Hai cuộc khủng hoảng - hàng triệu người bị cướp đi sinh mạng

Dựa trên những số liệu thống kê tạm thời, có thể thấy "đại dịch" Covid-19 và biến đổi khí hậu đều đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới. Mặc dù không cùng lúc xuất hiện nhưng cả hai lại có những điểm tương đồng.

Hai cuộc khủng hoảng đều được cho là gây ra những thiệt hại nhân mạng đáng kể. Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong hàng năm từ 2030 đến 2050. Còn Covid-19 thì đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,3 triệu người trên toàn thế giới kể từ khi nó bắt đầu.

Một điểm tương đồng khác của 2 cuộc khủng hoảng đến từ những đối tượng, nhóm người bị ảnh hưởng được cho là nhiều hơn số còn lại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi, và phải trả giá đắt hơn là những người nghèo. Trên thực tế, từ lâu đã có sự chênh lệch giữa người nghèo và người giàu về chăm sóc sức khỏe. Đại dịch và biến đổi khí hậu chỉ làm nổi bật hơn những chênh lệch này.

Cả Covid-19 và biến đổi khí hậu đều đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới rơi vào khủng hoảng.

Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân của sự bùng phát Covid-19?

Nguyên nhân sâu xa của việc bùng phát đại dịch Covid-19 là gì? - 2

Những biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho nhiều loài virus mới xuất hiện. 

Vào tháng 1/2021, một bài báo được xuất bản trên tạp chí Science of the Total Environment đã tiết lộ bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu có thể đóng một vai trò nhân quả trực tiếp trong sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ các tổ chức ở Anh, Đức và Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ những thay đổi khí hậu xảy ra do biến đổi khí hậu trực tiếp với Covid-19. Họ nhấn mạnh rằng số lượng loài dơi có mặt có liên quan đến số lượng virus corona trong một môi trường cụ thể.

Covid-19 không phải là bệnh truyền nhiễm duy nhất liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc thay đổi điều kiện môi trường và dịch bệnh.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các môi trường sống và hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc làm thay đổi các yếu tố môi trường như chất lượng không khí, nước uống, nguồn cung cấp thực phẩm.... Một sự thay đổi nhỏ cũng có thể có tác động lớn đến các loài sống trong hệ sinh thái. Những thay đổi khí hậu đã trực tiếp tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loài dơi phát triển mạnh, cho phép sự xuất hiện của các virus corona chủng mới - bao gồm cả SARS-CoV-2.

Hy vọng những tác động, thiệt hại không mong muốn gần đây có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải xem xét tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu và đưa ra các chiến lược có tính toán để ngăn chặn thiệt hại môi trường và có những biện pháp phát triển bền vững để cải thiện vấn đề này.

Làm gì để giảm thiểu biến đổi khí hậu và tác động của dịch bệnh?

Nguyên nhân sâu xa của việc bùng phát đại dịch Covid-19 là gì? - 3

Sự thay đổi khí hậu do con người gây ra ảnh hưởng đến sự bùng phát dịch bệnh. Trong đó, buôn bán động vật hoang dã là một yếu tố quan trọng trong việc lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật như SARS-CoV-2. Buôn bán trái phép động vật hoang dã là nguyên nhân thúc đẩy các chứng bệnh lây từ động vật.

Một báo cáo năm 2020 của The Lancet nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh các phản ứng đối với cả hai cuộc khủng hoảng để giải quyết chúng một cách tối ưu. Do các yếu tố chung của đại dịch và biến đổi khí hậu, việc ứng phó cũng khá tương đồng. Cụ thể, cả hai đều có những liên quan đến hoạt động của con người, và cả hai đều dẫn đến sự suy thoái của môi trường.

Các chuyên gia đã đề xuất rằng việc điều chỉnh các phản ứng của chính phủ đối với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu sẽ cho phép cải thiện tổng thể sức khỏe cộng đồng, cũng như thúc đẩy một tương lai kinh tế bền vững cho các khu vực trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc sắp xếp các phản ứng mang lại cơ hội bảo vệ đa dạng sinh học của hành tinh và hạn chế những thay đổi tiếp theo đối với các hệ sinh thái đa dạng.

Trong những năm tới, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều chiến lược được thực hiện hơn để sửa đổi hành vi của con người để hành vi của con người ít ảnh hưởng hơn đến môi trường, và do đó là sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Ngày 22/5 là ngày được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học.

Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là: "Chúng ta là một phần của giải pháp." Qua đó nhấn mạnh rằng để sống hài hòa với thiên nhiên, để bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, có rất nhiều giải pháp và con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm