Bồ hóng làm tăng tốc độ tan chảy của các dòng sông băng

Các nhà khoa học Peru và Mỹ ngày 12/4 thông báo phát hiện lớp bồ hóng (bột than đen) bao phủ trên những dòng sông băng của Peru là thủ phạm khiến tốc độ tan chảy của băng gia tăng.


Lớp bồ hóng phủ kín dòng sông băng ở Peru. (Nguồn: andina.pe)

Lớp bồ hóng phủ kín dòng sông băng ở Peru. (Nguồn: andina.pe)

Báo cáo của Viện Nghiên cứu sông băng và hệ sinh thái núi (INAIGEM) thuộc Bộ Môi trường Peru và Chương trình khoa học leo núi của Mỹ (ACSP) tiết lộ về sự tích tụ bồ hóng trên những dòng sông băng ở khu vực núi Cordillera Blanca, một phần của dãy núi Andes phía tây nước Nam Mỹ này. Đó là các sông băng Tocllaraju với độ cao trên 6.000m so với mực nước biển, Vallunaraju cao 5.600m, Yanapaccha cao 5.460m và Shallap cao 4.800m.

Theo INAIGEM, bồ hóng làm giảm sự phản xạ ánh sáng trên băng do những hạt carbon đen hấp thu, khiến nhiệt độ tăng và làm băng tan chảy.

Bụi hạt carbon đen phát sinh từ các vụ cháy rừng, đốt đồng cỏ, khí thải ôtô, tro tàn của nhà cháy và nhiên liệu hóa thạch khác. Nhà khoa học Wilmer Sánchez của INAIGEM khẳng định bồ hóng ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy giảm của những dòng sông băng, bởi khu vực nào có nhiều bụi hạt carbon này hơn thì băng tuyết tan chảy nhiều hơn. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra lớp bồ hóng tập trung nhiều tại những dòng sông băng có độ cao thấp hơn và gần thành phố hơn.

INAIGEM đang lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu tương tự tại nhiều khu vực khác tại Peru. Quốc gia Nam Mỹ này bị đánh giá là nước có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu cao thứ 3 thế giới, do có hệ thống sông băng nhiệt đới lớn nhất toàn cầu. Trong suốt 55 năm qua, 61% diện tích các dòng sông băng ở Peru đã tan chảy, chỉ còn lại gần 400km2./.

Theo Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm