1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bị rắn độc tấn công, người đàn ông cắn lại để trả thù

T.Thủy

(Dân trí) - Một người đàn ông Ấn Độ đã bị rắn tấn công trong lúc ngủ. Người này lập tức phản đòn, cắn ngược trở lại con rắn để trả thù.

Santosh Lohar, 35 tuổi, là một công nhân đường sắt sống tại thành phố Nawada, bang Bihar, Ấn Độ. Tối 4/7 vừa qua, Lohar trở về trại nghỉ ngơi dành cho công nhân đường sắt sau một ngày làm việc mệt mỏi và chìm vào giấc ngủ say.

Trong khi đang say giấc, Lohar đã bất ngờ bị một con rắn tấn công.

Người dân tại Ấn Độ có quan niệm mê tín rằng nếu người nào bị rắn cắn, hãy cắn ngược trở lại con vật để trả thù và giúp vô hiệu hóa nọc của rắn độc. Do vậy, Lohar đã xử lý tình huống bằng cách cắn ngược trở lại con rắn đã tấn công mình.

Sau khi bị Lohar cắn mạnh 2 lần, con rắn đã thiệt mạng, nhưng bản thân Lohar cũng phải nhập viện vì nọc độc của rắn.

Bị rắn độc tấn công, người đàn ông cắn lại để trả thù - 1

Santosh Lohar phục hồi trong bệnh viện sau cuộc chiến sinh tử với rắn độc (Ảnh: TOI).

May mắn Lohar được các đồng nghiệp mang đến bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Hiện anh đã được xuất viện để trở về nhà.

Con rắn tấn công Lohar không được đề cập đến, nhưng Ấn Độ là một trong những quốc gia có số lượng rắn độc tấn công người nhiều nhất thế giới. Nổi bật nhất tại Ấn Độ là "tứ đại rắn độc", bao gồm 4 loài rắn độc gây ra nhiều ca tử vong nhất cho con người ở quốc gia này, bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa.

Nên làm gì sau khi bị rắn cắn?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong trường hợp bị rắn độc cắn cần lập tức tìm kiếm sự trợ giúp về y tế. Nạn nhân bị rắn độc cắn được hỗ trợ y tế càng sớm sẽ càng tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng, giảm nguy cơ bị khuyết tật lâu dài hoặc tử vong.

Nếu bị rắn độc cắn, cần di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực có rắn, lập tức cởi bỏ quần áo chật hoặc tháo đồ trang sức như nhẫn, đồng hồ… để tránh phù nề vết thương gây hoại tử. Tuyệt đối không được rạch vết thương hoặc hút nọc độc… điều này càng làm cho vết thương thêm nghiêm trọng.

Nếu không rõ loài rắn đã tấn công sở hữu nọc độc máu (gây hoại tử vết thương) hay nọc độc thần kinh (gây suy hô hấp dẫn đến tử vong), người sơ cứu tuyệt đối không băng ga rô cho nạn nhân.

Trong khi di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, hãy giữ cho vị trí vết cắn thấp hơn vị trí của tim. Hãy giữ cho nạn nhân bình tĩnh, hạn chế vận động, bởi lẽ càng vận động hoặc càng mất bình tĩnh sẽ làm tăng nhịp tim, điều này sẽ khiến nọc độc di chuyển trong cơ thể nạn nhân nhanh hơn.

Theo NDTV