Bị đàn sư tử vây bắt, trâu rừng lợi dụng địa hình trốn thoát khó tin

Minh Khôi

(Dân trí) - Con trâu bị lùa bắt một quãng dài, trước khi nhận thấy mình bị bao vây bởi rất đông kẻ địch. Trong tình thế nguy cấp, trâu rừng bèn phi thân xuống một hồ nước gần đó, và nằm "cố thủ" tại đây.

Bị đàn sư tử vây bắt, trâu rừng lợi dụng địa hình trốn thoát khó tin

Một đoạn video kịch tính ghi lại màn vây bắt trâu rừng tại Vườn quốc gia Chobe (Sedudu), Botswana của đàn sư tử với gần chục thành viên, nhưng con vật tội nghiệp như được "thần may mắn" mách bảo, đã có pha xử lý khiến những kẻ săn mồi phải bỏ cuộc.

Mở đầu đoạn video, có thể thấy rằng bầy sư tử đã tiếp cận đàn trâu rừng châu Phi ở khoảng cách rất gần, và thành công trong việc tách một cá thể đơn độc khỏi những con còn lại.

Con trâu bị lùa bắt một quãng dài, trước khi nhận thấy mình bị bao vây bởi rất đông kẻ địch. Trong tình thế nguy cấp, trâu rừng bèn phi thân xuống một hồ nước gần đó, và nằm "cố thủ" tại đây. Chứng kiến con mồi chạy xuống vùng địa hình kém ưa thích, bầy sư tử "chưng hửng" và không biết làm gì tiếp theo.

Một con sư tử cái dũng cảm, đã rình được từ phía sau trâu rừng và nhảy lên lưng nó. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ khiến cho trâu rừng bị thương nhẹ, và nó không chịu gục ngã. Những con sư tử khác khi lộ ý định muốn hỗ trợ đồng đội, đã ngay lập tức bị trâu rừng phát hiện và lăm le cặp sừng đầy đe dọa.

Rốt cuộc sau nhiều giờ đồng hồ vây hãm nhưng không thể hạ gục trâu rừng, bầy sư tử bỏ cuộc và chủ động rút lui. Con trâu cũng nhanh chóng leo lên phía bờ đối diện, trước khi bỏ chạy về với đàn của nó.

Bị đàn sư tử vây bắt, trâu rừng lợi dụng địa hình trốn thoát khó tin - 1

Trâu rừng chống trả quyết liệt trước nỗ lực vây hãm của bầy sư tử.

Trâu rừng châu Phi (Syncerus caffer caffer), hay còn gọi là trâu Cape, là phân loài điển hình và lớn nhất, sinh sống ở vùng phía Nam và Đông của châu Phi.

So với các loài lớn khác thuộc phân họ Bovinae, trâu châu Phi có một cơ thể dài, chắc nịch và rất cường tráng. Chúng có chiều cao bờ vai khoảng từ 1 đến 1,7 mét và chiều dài từ đầu đến hết thân khoảng từ 1,7 đến 3,4 mét.

Một đặc trưng tiêu biểu của cặp sừng trâu đực châu Phi trưởng thành là sự hợp nhất bệ góc sừng, tạo nên một lá chắn xương liên tiếp được gọi là một "cái bướu". Từ góc sừng, cặp sừng phân tách hướng xuống, sau đó cong nhẹ lên trên và hướng ra ngoài. Trâu đực lớn, khoảng cách giữa hai điểm cuối cặp sừng có thể đạt trên 1 mét

Chính những đặc điểm này đã khiến trâu rừng mặc dù là đối tượng đi săn ưa thích, nhưng cũng vô cùng thử thách với những kẻ đi săn như sư tử, báo săn, hay linh cẩu.