Bí ẩn mảnh vỡ vũ trụ trôi dạt vào bãi biển

Minh Khôi

(Dân trí) - Cơ quan Vũ trụ Úc đã xác định được mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển phía Tây nước này.

Bí ẩn mảnh vỡ vũ trụ trôi dạt vào bãi biển - 1

Mảnh vỡ bí ẩn trôi dạt vào bờ biển ở Úc thuộc về một tên lửa của Ấn Độ (Ảnh: Space).

Ngày 17/7, Cơ quan Vũ trụ Úc (ASA) lần đầu đăng tải thông tin về một mảnh vỡ kim loại bí ẩn có hình trụ, bị trôi dạt vào bờ biển nước này.

Nhiều giả thuyết được đặt ra, cho rằng vật thể lạ có nguồn gốc quân sự, hoặc rác tên lửa. Một số người còn liên hệ nó với vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370.

Tuy nhiên, mọi đồn đoán đã được làm rõ sau khi ASA kết luận rằng vật thể trên thuộc về tầng 3 của tên lửa - được gọi là Phương tiện phóng vệ tinh vùng cực (PSLV) - của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO).

Được biết, ASA hiện đang làm việc với ISRO để xác định và tìm ra hướng xử lý đối với mảnh vỡ này.

Một quan chức của IRSO cũng xác nhận rằng mảnh vỡ có khả năng là một phần của tên lửa PSLV được phóng vào ngày 29/5, mang theo một vệ tinh điều hướng IRNSS.

Sau khi thực hiện thành công việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo, một số bộ phận của tên lửa đã không bị thiêu hủy hoàn toàn trong quá trình rơi trở lại bầu khí quyển của Trái Đất, và rơi xuống biển.

"Mảnh vỡ tên lửa Ấn Độ có thể đã bị trôi dạt vào bờ biển Úc", quan chức này cho biết trên mạng Twitter.

Bí ẩn mảnh vỡ vũ trụ trôi dạt vào bãi biển - 2

Theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), hiện có khoảng 10.000 tàu vũ trụ trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất và ít nhất 2.000 trong số này đã "chết" (Ảnh: Getty).

Tên lửa PSLV là phương tiện phóng tầm trung, được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1993. Từ đó tới nay, nó chủ yếu được sử dụng để phóng các vệ tinh viễn thám (IRS) của Ấn Độ vào quỹ đạo.

Ưu điểm của tên lửa PSLV là nó có thể mang theo nhiều vệ tinh với trọng tải tối đa lên tới 1.750kg trong mỗi hành trình. Điều này khiến chúng là lựa chọn phổ biến cho các sứ mệnh không gian theo kiểu "đi chung xe".

Tính đến ngày 17/7, khi bức ảnh đầu tiên về mảnh vỡ trên Vịnh Jurien được công bố, tên lửa PSLV đã thực hiện thành công 57 sứ mệnh.

Việc mảnh vỡ tên lửa được tìm thấy không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và hiếm gặp.

Theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), hiện có khoảng 10.000 tàu vũ trụ trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất và ít nhất 2.000 trong số này đã "chết".

Điều này đồng nghĩa với việc các mảnh vỡ từ chúng hoàn toàn có thể quay lại bầu khí quyển của Trái Đất dưới một tác động nào đó.

ESA cũng cho rằng trung bình mỗi tuần, sẽ có một mảnh vỡ không gian với kích thước lớn quay trở lại Trái Đất.

Tuy nhiên, hãng coi đây là rủi ro mà các đơn vị hàng không vũ trụ phải chấp nhận, trong bối cảnh thúc đẩy khám phá không gian ngày càng được đề cao.

Điều may mắn là các mảnh vỡ này chưa gây ra thiệt hại lớn về tài sản hoặc thương tích cho bất kỳ ai.

Theo www.space.com