1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bí ẩn màn sương mù cướp đi sinh mạng 12.000 cư dân

Sương mù đã trở thành một phần không thể thiếu của London, tuy nhiên, không nhiều người biết về "Màn sương khói khổng lồ" (The Great Smog) năm 1952, đã cướp đi sinh mạng 12.000 người mà bí ẩn của nó chỉ được giải mã sau hơn 60 năm.

Một sự kiện đặc biệt

Ngày 5/12/1952, khi thủ đô London chật kín người mua sắm chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới, màn sương khói dày đặc xuất hiện làm hạn chế tầm nhìn chỉ còn 10m.

Ở khu vực Isle of Dogs, sương mù dày đặc đến nỗi người ta không thể nhìn thấy chân mình. Đặc biệt là khói mù có mùi kinh khủng, một số người mô tả mùi của nó giống như mùi trứng thối. Có thông tin khói độc ô nhiễm đến mức đã khiến những con bò chết ngạt trên cánh đồng.

Bí ẩn màn sương mù cướp đi sinh mạng 12.000 cư dân - 1

Màn sương khói khổng lồ năm 1952 đã gây ra nhiều tổn thất cho Lodon; Nguồn: Historyofyesterday

Mọi người không quá chú ý vì nghĩ chỉ là thời tiết xấu và mùi hôi sẽ trôi qua nhanh. Nhưng không phải vậy, sáng 6/12, London thức dậy với bầu trời xanh ngắt, sương khói càng đậm và mùi còn kinh khủng hơn. Ngày 7/12, sương khói dày đặc, không khí trở nên nặng nề hơn, rất khó thở khi ở ngoài trời. Những người có vấn đề về phổi đã phải đến bệnh viện vì khó thở hoặc bị những cơn ho kéo dài.

Đến ngày 9/12, sương khói bắt đầu phân tán nhanh chóng sau khi thời tiết thay đổi, nhưng đến thời điểm đó đã có hơn 150.000 người phải nhập viện và hơn 12.000 người đã tử vong do các biến chứng về sức khỏe. Không chuyên gia nào có thể xác định điều gì đã gây ra sương mù và chỉ suy đoán trong không khí có chất gì đó rất độc hại.

Bí ẩn màn sương mù cướp đi sinh mạng 12.000 cư dân - 2

Nguyên nhân màn khói chết chóc chỉ được giải mã sau hơn 60 năm. Nguồn: Historyofyesterday

Nguyên nhân hé lộ sau 60 năm

Một loạt bài báo học thuật trong ngành y tế đã được đăng tải vào những năm 2000 mô tả chính xác nguyên nhân gây ra sương mù năm 1952 và những tác động của nó đến sức khỏe đối với những người bị di chứng và những người đã qua đời. Điều đã xảy ra là một khối không khí lạnh khổng lồ từ phía Bắc đã xâm nhập bầu khí quyển London và kết hợp với tất cả các yếu tố như nhiệt lượng và khói, bụi từ số lượng lớn các ống khói đang hoạt động hết công suất trong tháng 12 (năm 1952), đã khiến khối không khí ô nhiễm này lưu lại trên mặt đất.

Trong khi các loại than chất lượng cao được ưu tiên cho xuất khẩu để trả các khoản nợ trong Thế chiến II, sau chiến tranh, than sử dụng nội địa chủ yếu là loại chất lượng thấp, có nhiều muối (tương tự như than non) làm tăng lượng lưu huỳnh Dioxit trong khói. Ngoài ra còn có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than ở khu vực Đại London, bao gồm Fulham, Battersea, Bankside, Greenwich và Kingston trên sông Thames, cũng làm tăng thêm ô nhiễm.

Thời tiết vào tháng 11 và đầu tháng 12/1952 rất lạnh, tuyết rơi dày khắp vùng. Để giữ ấm, người dân London đã đốt một lượng lớn than trong nhà để sưởi. Trong điều kiện bình thường, khói sẽ bốc lên bầu khí quyển và phân tán nhưng do thời tiết, các quá trình vật lý và hóa học tạo ra sự đảo ngược. Hỗn hợp không khí khói bụi ngưng tụ bị đẩy xuống dưới, gần mặt đất, trong khi không khí ở gần mặt đất sẽ mát hơn không khí ở trên cao. Vì vậy, khi thoát ra khỏi ống khói, khói ấm đã bị mắc kẹt.

Bên dưới sự đảo ngược của nghịch lưu, gió rất nhẹ khuấy động không khí bão hòa tạo thành một lớp sương mù dày 100-200m. Sự đảo ngược năm 1952 cũng giữ lại các hạt và khí thải ra từ các ống khói của nhà máy ở khu vực London, cùng với ô nhiễm do gió từ phía Đông mang lại từ vô số ống khói các khu công nghiệp.

Không những thế, ô nhiễm và khói từ khí thải của phương tiện giao thông, đặc biệt là từ đầu máy hơi nước và xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel đã thay thế hệ thống xe điện bị bỏ rơi. Các ngành công nghiệp khác và thương mại cũng góp phần gây ô nhiễm không khí.

Bí ẩn màn sương mù cướp đi sinh mạng 12.000 cư dân - 3

Để tránh lịch sử lặp lại, Anh đã áp dụng nhiều quy định mới để đảm bảo chất lượng không khí. Nguồn: wikipedia.org

Các hợp chất sinh ra từ việc đốt than chất lượng thấp đã bị không khí lạnh biến thành axit sulfuric thông qua một quá trình được kích thích bởi azote dioxide, rất nguy hiểm nếu con người hít phải nó. Hàng ngàn vạn ống khói vẫn nhả khói vào bầu trời, những cột khói đen đặc, nồng độ bụi khói gấp 10 lần bình thường, nồng độ SO2 gấp 6 lần, Fe2O3 trong khói tác dụng với CO2 trong không khí tạo ra bọt H2SO4, ngưng đọng trong bụi khói thành những đám axit.

Toàn bộ quá trình này khiến không khí ở London trở nên rất độc hại và những người không đeo khẩu trang ngoài trời hoặc có vấn đề về phổi sẽ bị chết mà không hề hay biết. Phải mất hơn 60 năm khoa học mới gỡ rối thành công mớ hỗn độn này.

Bài học không bao giờ cũ

Trong suốt thời gian xảy ra sương mù, một lượng lớn tạp chất đã được giải phóng vào bầu khí quyển. Mỗi ngày trong thời kỳ sương mù, các chất ô nhiễm sau đã được thải ra gồm khoảng 1.000 tấn hạt khói, 2.000 tấn carbon dioxide, 140 tấn axit clohydric và 14 tấn hợp chất flo. Có lẽ nguy hiểm nhất là 370 tấn sulfur dioxide chuyển đổi thành 800 tấn axit sulfuric. Sương mù cuối cùng đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, chưa kể nhiều người bị các vấn đề về hô hấp và giao thông bị gián đoạn trong nhiều ngày.

Màn sương khói khổng lồ được coi là sự kiện ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, có tác động lớn nhất trong nghiên cứu môi trường và nâng cao nhận thức của công chúng về mối quan hệ giữa chất lượng không khí và sức khỏe.

Để tránh lịch sử lặp lại, Anh đã áp dụng một số thay đổi bao gồm Đạo luật Không khí sạch 1956 và 1968, sử dụng rộng rãi hệ thống sưởi trung tâm và chuyển sang sử dụng nhiên liệu không khói... Tuy vậy, vào năm 1962, sương mù độc đã cướp đi sinh mạng của 750 cư dân London, dù quy mô thiệt hại kém xa "Màn sương khói khổng lồ năm 1952".