Bí ẩn "cái lưỡi lạnh" trên Thái Bình Dương khiến giới khoa học bối rối

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Điều gì có thể gây ra hiện tượng nước liên tục lạnh đi giữa một đại dương đang nóng lên? Bí ẩn này đang khơi dậy sự tò mò của các nhà khí hậu học.

Bí ẩn cái lưỡi lạnh trên Thái Bình Dương khiến giới khoa học bối rối - 1

Khối nước lạnh gần xích đạo được mệnh danh là "cái lưỡi lạnh" của Thái Bình Dương là một bí ẩn chưa có lời giải (Ảnh minh họa: Futura Science).

Một khối nước nằm gần xích đạo lạnh đi theo thời gian, trong khi nhiệt độ Thái Bình Dương đang nóng lên. Điều này có nguy cơ gây ra những hậu quả lớn đến khí hậu. Trong 30 năm qua, khu vực vùng nước lạnh Thái Bình Dương này đã giảm 0,5⁰C, mức giảm được các nhà khoa học đánh giá sẽ gây ra nhiều tác động. 

Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất trên thế giới, nhiều cơ chế chi phối hoạt động của nó cho đến nay vẫn chưa được biết đến.

Trong bối cảnh các đại dương đang quá nóng, sự suy giảm liên tục của khối nước gần xích đạo là một bí ẩn. Nó được mệnh danh là "cái lưỡi lạnh" của Thái Bình Dương, trải dài hàng nghìn km. 

Nếu như hiện tượng Enso (đặc trưng bởi sự chuyển đổi giữa hai pha bao gồm El Nino và La Nina xảy ra định kỳ 2-7 năm), ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết và khí hậu một số châu lục, thì "cái lưỡi lạnh" Thái Bình Dương có một vị trí khác. 

Ảnh hưởng của nó đến khí hậu và thời tiết cũng không hề nhỏ, nếu vùng nước gần xích đạo tiếp tục làm mát theo thời gian, trong vài thập kỷ nữa, nó khiến thời tiết ở California khô hơn, gây cháy rừng ở Úc, thậm chí là gió mùa ở Ấn Độ, giống như hiện tượng La Nina, xảy ra năm 2019-2022, trước khi El Nino quay trở lại vào năm nay. 

Đặc biệt, ảnh hưởng nhiệt độ từ Thái Bình Dương còn tác động đến nhiệt độ trung bình toàn cầu của hành tinh, do đó hiện tượng lạnh bí ẩn này có thể làm giảm phần nào gia tăng nhiệt từ nóng lên toàn cầu. 

Các nhà khoa học giải thích, "cái lưỡi lạnh" tạo ra một khối không khí lạnh giữa đại dương đang nóng lên, tạo điều kiện cho quá trình bốc hơi và ngưng tụ hơi nước. Khi đó, mây được hình thành nhiều hơn, ngăn chặn tia cực tím từ Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất giúp nhiệt độ hành tinh hạ nhiệt. 

Song các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích, điều gì có thể gây ra hiện tượng lạnh đi liên tục giữa một đại dương đang nóng lên?

Giả thuyết được đưa ra, nó có thể do biến đổi tự nhiên liên quan đến việc gió mang dòng nước lạnh từ độ sâu ở các vùng phía bắc đưa chúng lên bề mặt. Đây được gọi là cơ chế nước dâng hoặc do sự tan chảy của băng ở Nam Cực dẫn đến một sự chuyển động không khí lạnh về phía xích đạo. 

Dù thế nào đi nữa, trong 30 năm qua, khi khí hậu ấm lên, khu vực biển Thái Bình Dương ngày càng xuất hiện những điều kỳ lạ và nó có lẽ không phải là sự ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, vì nguồn gốc của nó vẫn chưa được biết đến nên các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác quá trình tiến hóa của nó.