Bất ngờ với tổ chức khoa học và công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học
(Dân trí) - Gần một nửa số cơ sở giáo dục đại học hoạt động trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, số cơ sở thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm khoảng 31%... Trong khi đó số cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm có 5,3%.
Đây là những số liệu về tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) ở cơ sở giáo dục đại học được Cục Công nghệ Thông tin và Khoa học Quốc gia (NASATI) công bố trong sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2015”
NASATI cho biết, các cơ sở đào tạo đại học được tổ chức dưới hình thức đại học, trường đại học, học viện và cao đẳng. Cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ là một trong hai nhiệm vụ chính của các tổ chức giáo dục đại học.
Theo lĩnh vực hoạt động KH&CN, từ kết quả Điều tra tiềm lực KH&CN 2014 cho thấy, gần một nửa (46,6%) số cơ sở giáo dục đại học hoạt động trong lĩnh vực KHXH&NV, số cơ sở thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm khoảng 31%, lĩnh vực khoa học y, dược có 9,4%, lĩnh vực khoa học tự nhiên có 7,7%, trong khi đó số cơ sở thuộc lĩnh nông nghiệp chỉ có 5,3%.
Theo phân bố địa lý, các cơ sở giáo dục đại học tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh 27,4%. Vùng có tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học cao nhất là Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng (28,02%), tiếp đến là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (20,94%), vùng Đông Nam Bộ (17,7%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (17,7%), vùng Đồng bằng sông Cửu Long (11,8%) và cuối cùng là vùng Tây Nguyên chỉ có 3,83%.
Theo xếp hạng các trường đại học do Cybermetrics Lab đưa ra, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có 10 đại học nằm trong khoảng top 100 đại học của Đông Nam Á (có tất cả 1.375 đại học), 1.000 đại học của châu Á (có tất cả 8.992 đại học) và trong 3.000 đại học trên thế giới (có tất cả 23.892 đại học)
Nguyễn Hùng