Báo động ô nhiễm môi trường đô thị
(Dân trí) - Người dân sống ở những đô thi lớn ngày nay cảm thấy ngột ngạt bởi môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều nhà cao tầng đua nhau mọc lên, đường phố chen chúc toàn xe ô tô, xe gắn máy xả khí thải; còn những ao hồ và thảm cây xanh ngày càng thu hẹp…
Trong những lúc đi ngoài đường, nhất là những ngày nóng bức, mọi người đều cảm thấy không khí ngột ngạt, bởi khói bụi thải ra từ những dòng xe cộ, xe gắn máy thải ra…Số liêu quan trắc của Tổng cục môi trường cho thấy nồng độ bụi tính trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cao hơn từ 2-3 lần so với tiêu chuẩn cho phép (TCCP), tức là thuộc loại ô nhiễm nặng.
Ngoài bụi, người đi đường và cả người dân sống hai bên đường đều hít phải hơi xăng dầu. Số liệu quan trắc ở các thành phố lớn những năm gần đây cho thấy nồng độ hơi xăng trong không khí đều vượt TCCP. Số liệu công bố của Bộ GTVT cho biết cả nước ta hiện nay có khoảng 1,9 triệu xe ô tô; 40 triệu xe máy, trong đó có 4,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng. Những loại xe này càng thải ra nhiều khí độc vì nhiên liệu cháy không triệt để. Mật độ xe cộ đi lại tập trung ở các thành phố lớn, là nguồn thải ra khói bụi, hơi xăng dầu và các loại khí độc khác như CO2, NO2, SO2, CO… Đấy là chưa kể, người dân đô thị còn phải chịu loại ô nhiễm… tiếng ồn rất có hại cho thần kinh, nhất lầ đối với người già và trẻ em. Có lẽ, ít có nước nào trên thế giới lại được phép sử dụng còi xe “thoải mái” như ở Việt Nam. Đi ngoài đường, luôn phải “tra tấn” bởi dủ loại còi xe, kể cả loại còi xe tải lớn dễ gây giật mình!
Việc quản lí giao thông đô thị chưa được tiến hành đồng bộ, chưa thực hiện việc kiểm soát để loại trừ những xe mô tô, xe gắn máy đã quá thời hạn sử dụng. “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy” được Chính phủ ra Quyết định phê duyệt có hiệu lực từ 1/1/2011, mà đến nay vẫn chưa được triển khai. Đấy cũng là nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị thêm trầm trọng.
Sự phát triển các khu đô thị mới, cùng với những tòa nhà cao tầng mọc lên trong nội đô, gần như đi liền với việc san lấp bớt các ao, hồ và mất đi những thảm xanh đồng ruộng . Như vậy cũng có nghĩa là “lá phổi xanh” có vai trò điều hòa nhiệt độ và giảm bớt sự ô nhiễm không khí của thành phố bị thu hẹp lại. Tình hình đó là một thực tế thật đáng quan tâm, nhưng chưa được các cấp quản lý có trách nhiệm quan tâm đúng mức.
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, trong 5 năm (2010-2015), Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn trong khi chỉ đào mới 7 hồ. Nhiều diện tích đồng ruộng có mặt nước thoáng đãng và những thảm xanh ở các vùng quê ngoại thành đã bị thu hẹp nhanh chóng. Đấy là quá trình phát triển tất yếu của đô thị nhưng thiếu được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm sự phát triển hài hòa và bền vững của đô thị, trong đó yếu tố hàng đầu là phải bảo đảm môi trường đô thị được trong lành, và cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Quy hoạch phát triển tổng thể Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác đã được xây dựng cho các kế hoạch trung hạn và dài hạn, nhưng khi xây dựng từng giai đoạn chưa chấp hành nghiêm túc những quy hoạch đó, nhiều khi vẫn nặng về lợi ích trước mắt; còn coi nhẹ sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm sự phát triển hài hòa của độ thì cũng như không ngừng cải thiện đời sống người dân.
Thao Lâm