Điều bí mật giúp tua bin gió ở Trung Quốc "sống sót" trước bão Yagi

Minh Khôi

(Dân trí) - Thiết kế tuabin tiên tiến của Trung Quốc giúp các trang trại gió ở miền Nam nước này sống sót trước bão số 3 dù bị tấn công trực diện.

Điều bí mật giúp tua bin gió ở Trung Quốc sống sót trước bão Yagi - 1

Miền nam Trung Quốc đón bão Yagi cuối tuần trước (Ảnh: Xinhua).

Siêu bão Yagi đã để lại hậu quả tàn khốc khi quét qua miền nam Trung Quốc vào tuần trước. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một trang trại gió của Trung Quốc bị tổn hại. Những cơ sở còn lại vẫn đứng vững. Đây được xem là một kì tích, vì ai cũng biết sức công phá của bão Yagi là lớn tới chừng nào.

"Bão không còn là rào cản môi trường không thể vượt qua đối với sự phát triển năng lượng gió của Trung Quốc", một đại diện từ chủ trang trại điện gió Huaneng Hainan Power Generation, cho biết.

Bí mật của tua bin gió để sống sót trước siêu bão

Bão Yagi mang theo sức gió khoảng 245km/h gần tâm bão khi đổ bộ vào đất liền tại huyện Văn Xương, tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc. Một trang trại gió trong thành phố đã bị tấn công trực diện, khiến một số tua bin gió xếp hàng dọc theo bờ biển bị đập vỡ và hư hỏng.

Nguyên nhân là bởi trang trại đang tạm ngừng hoạt động vào thời điểm đó để nâng cấp thay thế 32 tua bin gió nhỏ bằng 16 tua bin gió lớn hơn, và hiệu quả trong khả năng chống bão.

Điều bí mật giúp tua bin gió ở Trung Quốc sống sót trước bão Yagi - 2

Turbine gió khổng lồ MySE 16.0-242 (Ảnh: MingYang Smart Energy)

Các tua bin này, điển hình như hệ thống do công ty Mingyang Smart Energy chế tạo, có đường kính rotor lên tới 292 mét, bao phủ diện tích quét gió tối đa tương đương với 9 sân bóng đá tiêu chuẩn.

Đường kính rotor lớn giúp tăng diện tích thu năng lượng gió, và nhờ vậy tăng hiệu quả phát điện. Nó cũng sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn khi đối đầu với các cơn bão, vì khả năng căn chỉnh tốc độ gió và triệt tiêu thiệt hại.

Đơn vị này cho biết, các tua bin gió được thiết kế để triển khai trên toàn cầu ở những khu vực có tốc độ gió trung bình đến cao. Chúng đặc biệt phù hợp với những địa điểm dễ xảy ra bão.

Nhìn chung, khi bão mạnh ập đến, tua bin sẽ tự động dừng quay các cánh, và sau đó điều chỉnh hướng bằng cơ chế kiểm soát độ lệch để giảm sức cản của gió. Ngoài ra, các tua bin còn có khả năng điều chỉnh độ lệch thích ứng dựa trên hướng của cơn bão. Theo cách này tua bin sẽ luôn vuông góc với hướng gió thổi tới.

Đó là lý do mặc dù tần suất và cường độ của những cơn bão như Yagi ngày càng tăng trên toàn thế giới trong những năm gần đây, các tua bin gió của Trung Quốc hiếm khi bị phá hủy.

Đại diện của công ty Mingyang Smart Energy cho biết hơn 1.700 tua bin gió tại 51 trang trại của đơn vị này đã vượt qua được thử thách của bão Yagi, và hoàn toàn không có thiệt hại.

Trang tin tức tài chính Yicai có trụ sở tại Thượng Hải dẫn lời một người trong ngành cho biết, chi phí sản xuất một tua bin gió kiểu mới lên tới gần chục triệu nhân dân tệ, tương đương với hàng triệu USD. Tuy nhiên, hiệu quả mà nó mang lại là không thể bàn cãi.

Điện gió là tương lai của ngành năng lượng

Điều bí mật giúp tua bin gió ở Trung Quốc sống sót trước bão Yagi - 3

Tua bin gió ngoài khơi được lắp đặt tại tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Theo Hiệp hội Năng lượng tái tạo Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến năm 2023, Trung Quốc có hơn 160 trang trại điện gió ngoài khơi trên 12 tỉnh ven biển, với tổng công suất lắp đặt vượt quá 39 triệu kilowatt.

Với nguồn tài nguyên gió dồi dào và lợi thế về chi phí trong điện gió ngoài khơi, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động và thống trị ngành sản xuất tua bin gió toàn cầu.

Đối với Việt Nam, điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ trở thành lĩnh vực ưu tiên sau năm 2030, với tiềm năng xuất khẩu đầy hứa hẹn sang các quốc gia ASEAN khác.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.

Lợi thế của Việt Nam còn bao gồm việc là thành viên trong Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể, hỗ trợ xúc tiến mục tiêu quốc gia về năng lượng carbon thấp.