Băng chữa thương tiêm vào cơ thể giúp chữa trị cơ quan nội tạng
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu ở Đại học Kỹ thuật Toronto đã đưa ra một loại vật liệu sinh học mới dùng cho phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Bạn chỉ cần dùng đến một kim tiêm, một miếng băng chữa thương có kích thước bằng một con tem và một chút thời gian để thực hiện phương pháp này.
Miếng giá đỡ mô mềm dẻo này được bơm ra khỏi kim tiêm và tự mở ra trên đĩa thí nghiệm
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Toronto đã phát triển một miếng băng chữa vết thương nhỏ xíu từ mô tim kèm theo các mạch máu của chính nó, và miếng băng này còn có thể tiêm vào cơ thể.
Thông thường, để sửa chữa các mô tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim hay các bệnh trạng khác bằng cách tái tạo các tế bào hoặc mô thì cần phải phẫu thuật mở rộng tim.
Một nghiên cứu vừa mới được công bố trên tạp chí Vật liệu tự nhiên cho thấy, kỹ thuật sử dụng các lát mô của cơ thể người dạng 3D do các nhà nghiên cứu kỹ thuật y sinh ở Đại học Toronto phát triển có thể chữa mô tim người mà không cần xâm lấn.
Nhóm nghiên cứu có thể dùng một kim tiêm nhỏ để tiêm một miếng băng chữa thương vào mà không cần phải phẫu thuật mở khoang ngực để tiếp cận trái tim.
Giáo sư Milica Radisic công tác tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật Ứng dụng của Đại học Toronto cho rằng “nếu dùng một thiết bị cấy ghép mà đòi hỏi phải phẫu thuật mở tim thì nó sẽ không thể sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân, vì như vậy quá nguy hiểm”.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một thiết kế phù hợp với tính chất cơ học của mô tim và có khả năng ghi nhớ hình dạng cần thiết bằng cách tự bung ra thành hình dạng giống như một miếng băng sau khi ra khỏi kim tiêm. Sau khi được tiêm vào cơ thể, nó sẽ bung ra và mở rộng ra trước khi tiến hành sửa chữa và thay thế các mô bị hỏng.
Trong các cuộc thử nghiệm ở chuột và lợn, các nhà nghiên cứu đã nuôi được các tế bào tim thật sự trên miếng băng này, sau đó nó được tiêm vào trong cơ thể các con vật.
Nhà nghiên cứu Miles Montgomery, công tác tại phòng thí nghiệm của giáo sư Radisic, cho biết “tế bào tim rất nhạy cảm, vì vậy nếu chúng ta có thể làm điều này với chúng, thì có nghĩa là chúng ta cũng sẽ có thể làm như vậy với các mô khác”.
Nghiên cứu này cho thấy khi tiêm miếng băng chữa thương này vào tim chuột, nó có thể cải thiện chức năng tim sau khi bị nhồi máu cơ tim, nó giúp cho các tâm thất bị tổn thương có thể bơm được nhiều máu hơn so với khi không tiêm miếng băng chữa thương.
Giáo sư Radisic cho hay “bạn có thể tùy chỉnh nó bằng cách bổ sung thêm các yếu tố tăng trưởng hoặc các loại thuốc khác để kích thích sự tái tạo mô”.
Anh Thư (Tổng hợp)