Bản thảo thời Trung cổ dự báo siêu tân tinh tái diễn năm 2024
(Dân trí) - Một văn bản từ năm 1217 đã khẳng định cứ 80 năm, ngôi sao T CrB lại bùng lên một lần.
Năm 1217, một thày tu người Đức đã nhìn lên bầu trời sao ở phía tây nam và chú ý đến một ngôi sao mờ lại có ánh sáng nhấp nháy một cách kỳ lạ. Nó tiếp tục nhấp nháy trong vài ngày.
Vị thày tu này có tên Abbott Burchard, là người đứng đầu Tu viện Ursberg khi đó, đã ghi lại cảnh tượng này trong biên niên sử của năm, rằng "một dấu hiệu tuyệt vời đã xuất hiện" và cho biết thêm rằng vật thể bí ẩn này trong chòm sao Corona Borealis "phát ra ánh sáng thần kỳ" trong "nhiều ngày".
Bản thảo từ thời trung cổ này có thể chính là văn bản đầu tiên nói đến hiện tượng hiếm hoi trong vũ trụ mà ngày nay chúng ta gọi là sự tái hiện siêu tân tinh, tức là một ngôi sao chết hút vật chất từ một ngôi sao đồng hành lớn hơn và gây ra những tia sáng nhấp nháy đều đặn.
Theo nghiên cứu mới đây, ngôi sao "thần kỳ" đó có thể chính là sao T CrB, nằm trong chòm sao Corona Borealis và cứ 80 năm lại trở nên sáng chói trong vòng 1 tuần. Mặc dù vậy, hiện tượng này mới chỉ được các nhà khoa học ghi lại hai lần, vào năm 1866 và 1946, và dự báo lần tiếp theo sẽ là vào năm 2024.
Nhưng làm thế nào để chúng ta khẳng định rằng thày tu Burchard đã phát hiện chính ngôi sao T CrB mà không phải một hiện tượng nào khác trong vũ trụ, chẳng hạn như một vụ nổ siêu tân tinh chỉ xảy ra một lần hay một sao chổi?
Nhà thiên văn học Bradley Schaefer ở Trường đại học Louisiana, Mỹ, loại trừ khả năng nổ siêu tân tinh ngay lập tức với lý do nếu là một sự kiện dữ dội như vậy, tức là vụ nổ xảy ra khi một ngôi sao lớn chết, thì nó sẽ để lại những tàn tích rõ ràng có thể nhìn thấy ở hiện tại.
Ví dụ ngày nay hầu hết các kính thiên văn đều quan sát được tinh vân Con Cua được cho là tàn dư của siêu tân tinh 1.000 năm tuổi.
Với nhận định rằng chưa ai từng quan sát được tàn dư siêu tân tinh trong quá trình hình thành chòm sao Corona Borealis, các nhà khoa học cho rằng khó có khả năng ánh sáng lấp lánh "thần kỳ" kia là một vụ nổ sao lớn.
Tương tự như vậy, nhà thiên văn học Schaefer đã loại một hành tinh sáng lấp lánh khỏi danh sách nghi vấn vì không có hành tinh nào có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên vùng trời đó.
Khả năng đó là một sao chổi thì khó loại bỏ hơn. Theo một biên niên sử của tu viện Thánh Stephani ở Hy Lạp, vào năm đó đã xuất hiện một sao chổi trên bầu trời. Tuy nhiên, hầu hết các thày tu thời đó đều biết khá rõ về sao chổi, mà họ cho rằng là điềm báo của sự diệt vong.
Nhà thiên văn học Schaefer cho rằng khó có khả năng thày tu Burchard coi sao chổi đó là một thứ gì "tuyệt vời" hoặc không nói đến phần đuôi của nó.
Cảnh tượng năm 1787 được nhà thiên văn học người Anh Francis Wollaston ghi lại. Ông mô tả sự việc giống như một tân tinh từ một ngôi sao có tọa độ gần như trùng khớp với vị trí của sao T CrB trên bầu trời.
Các nhà khoa học đang chuẩn bị ghi nhận lần lóe sáng tiếp theo của siêu tân tinh này vào cuối năm 2024. Trong khi chờ đợi, họ sẽ tiếp tục tra soát các nguồn lưu trữ cũ để nghiên cứu về lịch sử của ngôi sao T CrB để đưa ra những dự đoán chính xác hơn về hoạt động của ngôi sao này trong tương lai.