Bản quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ chính mình

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp cần quan tâm, nhận thức và tiếp cận một cách rõ ràng, nếu không muốn xảy ra những tranh chấp không đáng có.

Bản quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ chính mình - 1

Tọa đàm: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số" bàn về chủ đề nóng, đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ngày 28/9, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức Tọa đàm: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số".

Sự kiện được tổ chức theo hình thức thảo luận mở, nhằm mục tiêu lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp nội dung số, cũng như quan điểm từ các bên liên quan trước những thách thức hiện nay về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường số.

Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

Được biết, tại Việt Nam hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số. Việt Nam cũng có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, thích nghi công nghệ cao… để tạo ra các giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp phát triển.

Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển người dùng Internet hàng đầu thế giới với 72 triệu người tham gia không gian mạng, 75% dân số. Năm 2021 GDP mảng này chiếm 8,2% của quốc gia. Dự báo đến 2025 có thể đạt đến 57 tỷ USD doanh thu và tăng gấp 3 lần trong năm 2021.

Sự phát triển này bộc lộ rõ nét ở tốc độ phát triển của các mạng xã hội, khi Facebook có hơn 70 triệu người tham gia, 60 triệu người xem Youtube và 40 triệu người xem Tiktok.

Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đã cán mốc 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp hơn 5% vào GDP của đất nước. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng khoảng 29%/năm

Tính đến năm 2022, Việt Nam đang hưởng lợi do các mảng chủ chốt của nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á đều chiếm tỉ trọng lớn, bao gồm lĩnh vực truyền thông, du lịch, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giao hàng từ xa…đều phát triển mạnh. Xu hướng hiện nay cho thấy đến 2025 tốc độ phát triển tăng 2-3 lần so với các năm trước đây.

Bản quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ chính mình - 2

Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect cho rằng nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt vẫn phải "vừa làm vừa mò mẫm", và thường gặp phải những trở ngại lớn về vấn đề bản quyền SHTT (Ảnh: BTC).

Dẫu vậy, trong điều kiện hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, vẫn còn nhiều thách thức tồn động, dẫn tới sự phát triển bị gián đoạn, gặp nhiều khó khăn. Một lý do được các doanh nghiệp đề cập, bao gồm việc thiếu đi các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, và bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect đánh giá Việt Nam "vẫn chưa có các chính sách, hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển, thiếu các công cụ hữu hiệu trong chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng".

Một số ý kiến khác cũng cho rằng một số quy định được ban hành, nhưng khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới, cũng như hạn chế khả năng áp dụng với các với các chủ thể nước ngoài, khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó.

Thế nhưng ở một góc độ khác, cũng không thể phủ nhận rằng tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền SHTT vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là từ phía các doanh nghiệp, khi họ thường chỉ tập trung cho sản xuất, sáng tạo, mà coi nhẹ vấn đề pháp lý.

Doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ chính mình

Bản quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ chính mình - 3

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng việc hưởng ứng của doanh nghiệp trong SHTT thực sự là vấn đề lớn (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Tham dự Tọa đàm, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng sự quan tâm, nhận thức về quyền SHTT của doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi căn bản, nếu không, sẽ không thể giải quyết được các vụ việc nếu có liên quan tới vấn đề pháp lý.

"Doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp, nên ý thức bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác. Đó chính là bảo vệ quyền của bản thân mình ngay từ ý tưởng", Phó Cục trưởng Hồng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp "phải chủ động bảo vệ quyền của chính mình".

Ông Hồng cho biết quyền SHTT là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm, nhận thức và tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp, nếu không sẽ rất khó giải quyết được các vụ việc liên quan đến SHTT khi bị tranh chấp, nhất là trên không gian mạng.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, luật sư Hà Liên, đến từ Văn phòng Luật sư Phan Law cũng cho rằng các quy định pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ quyền của chủ sở hữu trong Luật SHTT. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi chung là phải xác lập rõ quyền của mình theo quy định của luật.

"Xác lập quyền nên là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất mà doanh nghiệp phải xử lý", luật sư Liên chia sẻ. "Nếu trên môi trường mạng xã hội có xuất hiện vấn đề lạm dụng quyền, chiếm đoạt quyền của chủ sở hữu…doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền của chính mình".