1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Bạn có cần phải uống đủ 2 lít nước mỗi ngày?

(Dân trí) - Bạn từng nghe lời khuyên nên uống đủ 8 cốc hay 2 lít nước mỗi ngày để có sức khỏe tốt, nhưng đã bao giờ bạn thực sự dành thời gian quan sát và ước lượng xem 2 lít nước nhiều hay ít cỡ nào chưa? Lượng nước đó lấy từ những nguồn nào?

Hãy thử lắng nghe ý kiến của năm chuyên gia sau đây xem sao nhé!

Bạn có cần phải uống đủ 2 lít nước mỗi ngày? - 1

Bà Karen Dwyer – Chuyên gia ngành tiết niệu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y, thuộc Đại học Deakin, Úc

Bạn chỉ cần uống khi khát. Dấu hiệu dễ nhất kiểm tra cơ thể bạn thiếu nước hay không là màu của nước tiểu. Nếu thấy nước tiểu màu vàng nhạt, cơ thể bạn đủ nước; nếu màu rất sẫm là bạn thiếu nước và cần uống nhiều hơn; nếu màu trong như nước lã là hơi thừa, bạn có thể bớt uống đi một chút. Uống quá nhiều nước cũng có thể nguy hiểm, nhất là với những người có vấn đề về tim. Lượng nước hấp thụ vào cơ thể bao giờ cũng đi qua thận, và thận có khả năng đặc biệt kiểm soát lượng nước đó, vì thế nếu cơ thể thiếu nước, thận sẽ gửi tín hiệu lên não báo cho bạn cần uống thêm.

Ông Vincent Ho – Chuyên gia về hệ tiêu hóa, Giảng viên cao cấp Trường đại học Tây Sydney

Bạn không cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Hình như lời khuyên uống 2 lít/ ngày có từ hồi năm 1945, khi một ấn phẩm của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia (Úc) ghi rằng “Lượng nước phù hợp đối với cơ thể một người trưởng thành nói chung là 2,5 lít/ ngày”. Bài viết còn có câu “phần lớn lượng nước đó đã nằm trong thức ăn hàng ngày rồi”, nhưng câu này lại hay bị bỏ qua. Thực tế là chúng ta hấp thụ rất nhiều nước qua thức ăn. Ví dụ: 92% khối lượng rau xúp lơ hay cà tím là nước. Công thức cứng nhắc 2 lít/ ngày áp dụng cho tất cả mọi người là không phù hợp. Người khỏe mạnh bình thường không cần phải uống như thế, trong khi người bị một số bệnh đặc biệt hoặc sống ở nơi cực kì nóng và khô lại phải uống nhiều hơn.

Ông Michael Tam – Bác sĩ đa khoa, Giảng viên cao cấp, Trường đại học Sydney

8 cốc nước, tức là kém một chút thì đầy 2 lít, là lượng nước áng chừng cơ bản dành cho một người lớn đang theo chế độ ăn kiêng và không làm bất cứ việc gì (chẳng hạn như đang nằm viện), và không bị mất nước nghiêm trọng (như là nôn hay tiêu chảy). Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể mất nước thêm do tập thể dục thể thao, toát mồ hôi vào ngày nắng nóng và hấp thụ nước từ các nguồn bổ sung ngoài uống nước trắng, ví dụ như đồ uống pha chế, nước quả và các thức ăn chứa nhiều nước như rau và hoa quả. Nước còn sinh ra từ quá trình trao đổi chất của thực phẩm. Sự chuyển hóa các chất béo, chất bột đường và chất đạm thành năng lượng trong cơ thể chúng ta cũng sinh ra nước. Thay vì việc chăm chăm đếm đủ số cốc nước mình uống, bạn chỉ cần đơn giản uống các thứ dạng lỏng khi thấy khát. Trong trường hợp đồ uống nhiều ngọt thì việc uống thêm nước trắng cũng tốt cho sức khỏe.

Ông Jon Bartlett – Nhà khoa học lĩnh vực thể thao – Nghiên cứu viên khoa học thể thao, Trường đại học Victoria

Cơ thể mỗi người cần lượng nước khác nhau và còn tùy vào các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể. 8 cốc nước/ ngày là lượng ước tính để đáp ứng nhu cầu căn bản, còn lượng nước thực tế cơ thể cần lại phụ thuộc vào hoạt động, sức khỏe từng ngày và môi trường khí hậu nơi người đó sinh sống. Nghiên cứu cho thấy dù chỉ thiếu ít nước thôi thì cơ thể cũng bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần, nhất là đối với những ai vận động nhiều và sống ở nơi có nhiệt độ cao. Một cách đơn giản đảm bảo bạn uống đủ nước là hãy uống khi khát; và vào những ngày bạn hoạt động nhiều hơn bình thường hay khi thời tiết nóng thì vừa tăng số lần uống vừa tăng lượng nước uống.

Ông Toby Mundel – Nhà khoa học về Thể dục, Giảng viên cao cấp, Trường đại học Thể dục, Thể thao và Dinh dưỡng thuộc Đại học Massey

Có nhiều yếu tố quyết định cơ thể bạn cần bao nhiêu nước (tính cả đồ ăn và thức uống lỏng, chứ không chỉ nước trắng). Các yếu tố đó bao gồm: tầm vóc và thành phần cấu tạo cơ thể bạn (tổng trọng lượng, tỉ lệ phần cơ, phần mỡ), mức độ toát mồ hôi (khi vận động, trong môi trường nóng ẩm, khi mặc quá nhiều quần áo), tình hình tiểu tiện (đang dùng thuốc, đang ở vùng có độ cao), tình trạng sức khỏe (bị sốt, nôn hay có bệnh), giai đoạn đặc biệt (mang thai, cho con bú), chế độ ăn (thực phẩm chứa nhiều nước, chất bột đường).

Với đa số người lớn khỏe mạnh ít khi thấy khát hay nước tiểu màu vàng nhạt hoặc không màu thì như thế là bình thường và đã uống đủ nước. Có một số cách đề phòng thiếu nước mà bạn có thể áp dụng, đó là uống đồ uống ít ca-lo trước hoặc trong bữa ăn (để phân biệt được đói và khát), uống đồ uống ít ca-lo trước, trong và sau khi vận động thể chất (đặc biệt là nếu bạn toát mồ hôi). Ngoài những lúc đó ra thì nạp vào cơ thể quá nhiều chất lỏng cũng có thể có hại, vì thế không phải cứ nhiều là tốt.

Phạm Hường (Theo The Conversation)