Bạch tuộc mất xúc tu trong trận chiến dữ dội với cá chình ở Australia

M.P

(Dân trí) - Một thợ lặn người Úc đã ghi lại được cảnh cá chình tấn công dữ dội con bạch tuộc đang bình yên phơi mình dưới đáy đại dương.

Bạch tuộc mất xúc tu trong trận chiến dữ dội với cá chình ở Australia

Đoạn video cho thấy những con bạch tuộc đang ở dưới đáy biển và khi người thợ lặn bơi lại gần, một con bạch tuộc đã nấp sau tảng đá để trốn.

Tuy nhiên, đúng lúc này, con bạch tuộc bị phục kích, nó bị một con cá chình tấn công dữ dội. Con bạch tuộc không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu để bảo vệ mạng sống của mình.

Sử dụng vũ khí bảo vệ của mình, nó phun mực vào con cá chình, nhưng chiến thuật này tỏ ra không hiệu quả, và một lúc sau, con cá chình đã dùng răng ngọam chặt "xơi tái" một chiếc xúc tu của bạch tuộc. Tuy nhiên, đại diện của loài nhuyễn thể vẫn sống sót sau cuộc tấn công này. 

Bạch tuộc là động vật rất thông minh, có thể là thông minh hơn bất kỳ một động vật thân mềm nào. Trí thông minh và khả năng học hỏi của bạch tuộc vẫn còn đang được các nhà sinh vật học tranh cãi, các thí nghiệm về mê cung và cách giải quyết vấn đề đã chỉ ra rằng bạch tuộc có hệ thống trí nhớ, bao gồm cả trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.

Chúng ta vẫn chưa biết rõ được khả năng học hỏi đóng góp như thế nào vào hành vi của những con bạch tuộc trưởng thành. Bạch tuộc con hầu như không học hỏi gì từ hành vi của bố mẹ, và chúng cũng có rất ít những liên hệ với bố mẹ.

Bạch tuộc có một hệ thần kinh phức tạp. 2/3 nơron nằm trong những dây thần kinh ở các tua của nó. Các tua bạch tuộc có những phản xạ phức tạp với sự điều khiển của ít nhất ba cấp độ của hệ thần kinh.