Bác sĩ đạt giải thưởng công nghệ ứng dụng trong y tế
(Dân trí) - Nhờ phần mềm được ứng dụng đã góp phần đưa công nghệ thông tin Y tế Đắk Lắk vào Top 5 toàn quốc về công tác liên thông dữ liệu giám định thanh toán BHYT và được Chính phủ khen tặng trong năm 2017 và đứng Top 2 toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.
Đề tài của BS Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lắk đạt giải thưởng cao về Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017 vừa trao giải giữa tháng 5/2018 vừa qua. Giải thưởng do Tổng liên đoàn lao động Việt nam, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học & Công nghệ và Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật VN tổ chức.
Năm nay, giải WIPO về lĩnh vực phần mềm không có giải nhất, nhì. Đề tài "Ứng dụng Công nghệ thông tin xây dựng phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk" (gọi tắt là MMS.Net) của BS Doãn Hữu Long, giám đốc Sở Y tế Đăk Lắk đạt điểm cao nhất.
BS Long cho biết, đến nay MMS.Net đã phát triển tích hợp hoàn thiện hai phiên bản dùng cho trạm y tế và phiên bản dùng cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện dưới 500 giường bệnh (đáp ứng được 1000 -1500 lượt khám/ngày). Dự kiến ra mắt sản phẩm vào tháng 6 năm 2018.
Với phần mềm này giúp cán bộ điều dưỡng, y tá có thể cập nhật thông tin chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại giường bệnh. Bác sĩ có thể duyệt lại y lệnh và phiếu lĩnh thuốc thông qua giao diện điện thoại, máy tính bảng.
Ngoài ra, phần mềm cũng hỗ trợ quản lý qua Smartphone bao gồm: Quản lý danh mục dữ liệu; kho dược phẩm; gói khám; điều trị nội trú và cấp cứu bệnh; phẩu thuật, thủ thuật; cận lâm sàng & Thăm dò chức năng; hồ sơ bệnh án, bệnh án điện tử; kế toán viện phí; liên thông cổng giám định thanh toán BHYT; liên thông dữ liệu khám chữa bệnh toàn quốc; Quản lý Y tế cơ sở...
Đặc biệt với việc quản lý cơ sở, BS Long đánh giá phần mềm mang lại hiệu quả vô cùng tích cực. BS Long dẫn chứng, từ tháng 6/2015 trở về trước, khi chưa ứng dụng phần mền tất cả các hồ sơ bệnh án, chỉ định, đơn thuốc, sổ thuốc, sổ khám bệnh, tiêm chủng, phòng dịch... đều phải làm thủ công.
Tại mỗi trạm y tế có ít nhất 12 cuốn sổ ghi chép (12 sổ ghi chép ban đầu và 10 báo cáo y tế theo thông tư 27/TT-BYT và thông tư 29/TT-BYT);về nghiệp vụ hàng ngày, phải ngồi tra cứu và chép lại toàn bộ từ số liệu có được trong cả tháng. Sau đó phải cộng lại và phân loại thủ công ra 10 báo cáo y tế để nộp về Trung tâm Y tế huyện. Tại trung tâm cũng sẽ nhập vào Excel số liệu toàn huyện từ 10 báo cáo đó rồi cộng lại thành báo cáo của huyện để nộp lên Sở Y tế.
"Chưa nói đến độ chính xác của dữ liệu, việc sửa đi sửa lại gây mất thời gian, tốn kém mà số liệu có qua nhiều bản sao nhiều lúc không thể kiểm soát được", BS Long nói.
Từ khi triển khai giải pháp phần mềm, nguồn số liệu được kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng, cán bộ chỉ cần lập hồ sơ theo quy trình khám, chữa bệnh, việc tổng hợp báo cáo và kiểm tra số liệu chỉ thực hiện 5 phút là hoàn tất.
Thông tin bệnh nhân khám, hồ sơ bệnh sử được lưu trữ trên máy tính có thể truy xuất bất kỳ lúc nào. Đặc biệt là việc liên thông giám định thanh toán BHYT và liên thông dữ liệu KCB được chủ động cập nhật nhanh chóng, đúng tiến độ theo Quyết định, thông tư của Bộ Y tế.
Ngoài ra phần mềm còn hỗ trợ người dân đăng kí khám qua mạng; cập nhật bệnh án điện tử; cập nhật diễn biến chăm sóc bệnh nhân tại giường bệnh; cập nhật diễn biến điều trị bệnh nhân tại giường bệnh.
Việc tiết kiệm thời gian với sổ sách giúp cơ sở y tế có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân, chất lượng khám chữa bệnh và truyền thông sức khỏe của các trạm y tế tăng lên rõ rệt, với độ hài lòng cao, số lượng bệnh nhân đến TYT ngày một tăng lên..
Theo BS Long, việc ứng dụng phần mềm này với chi phí thấp đã tiết kiệm cho nguồn ngân sách địa phương nhiều tỉ đồng để mua bản quyền thương mại. Ước tính trong năm 2016-2017 riêng Y tế xã, phường ngành y tế Đắk Lắk tiết kiệm hơn 6 tỉ đồng bao gồm chi phí mua bản quyền và bảo trì sản phẩm cho việc liên thông thanh toán BHYT.
Thời gian tới, nhóm tác giả sẽ tăng cường các chức năng gọi y tá, cảnh báo sức khỏe từ xa bằng cách tích hợp công nghệ IP Touch; xây dựng các web service cho ứng dụng có khả năng kết nối với các thiết bị cảnh báo như máy đo huyết áp, đồng hồ thông minh, dựa vào các chỉ số sức khỏe đã được thế giới nghiên cứu thành công để cảnh báo và gọi trực tiếp đến cán bộ y tế để có sự can thiệp, tư vấn, điều trị kịp thời.
Tú Anh