1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bắc Băng Dương sẽ không còn băng vào năm 2045?

(Dân trí) - Mỗi năm, chỉ riêng lượng phát thải các-bon của mỗi người Mỹ đã làm tan chảy 46,45 m2 băng biển ở Bắc Băng Dương.

Bắc Băng Dương sẽ không còn băng vào năm 2045? - 1

Khi chính phủ các nước được triệu tập tại Marrakech, Morocco cho cuộc họp năm nay của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục được thể hiện ở vài ngàn dặm về phía bắc.

Năm nay, mức băng biển tối thiểu ở Bắc Băng Dương đã đạt tới 1 trong 2 mức băng biển thấp kỷ lục (năm còn lại có mức băng biển ở Bắc Băng Dương thấp kỷ lục là 2007), và sự tái phát của nó trong mùa thu và mùa đông năm nay đang diễn ra hết sức chậm chạp. Từ ngày 1 tới 15/10, lượng băng tăng lên chưa tới 1/3 so với mức trung bình từ năm 1981 – 2010 ở cùng thời điểm; tới 31/10, băng biển ở Bắc cực đạt mức xấp xỉ 7,1 triệu km2 – mức thấp nhất trong hồ sơ vệ tinh cho ngày này.

Băng biển là nước biển đóng băng trong mùa đông và tan chảy vào mùa hè. Theo dữ liệu thống kê từ Trung tâm dữ liệu về Băng tuyết quốc gia (Mỹ), thể tích băng biển đang dần thu hẹp, và lượng băng biển mùa hè đang giảm đến 88.060 km2 mỗi năm.

Trong khi đó, 1 nghiên cứu mới trên tạp chí Science lại cho rằng các mô hình máy tính đã đánh giá thấp lượng băng biển ở Bắc cực bị mất đi, và tới năm 2045, khu vực này có thể sẽ không còn băng biển trong mùa hè. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học Dirk Notz của Viện khí tượng Max Planck ở Hamburg, Đức và Julianne Stroeve thuộc Trung tâm dữ liệu về Băng tuyết Quốc gia ở Boulder, Colorado ( Mỹ) đã so sánh lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra hàng năm với theo dõi về băng biển Bắc cực vào tháng 9 trong giai đoạn từ 1968 tới 2000. Họ thấy rằng, hai yếu tố này có một mối quan hệ tuyến tính mạnh mẽ, đến mức có thể tính được mỗi tấn CO2 phát thải thêm vào bầu khí quyển sẽ làm mất 3,06 m2 băng biển Bắc cực.

Điều này cho phép họ thể hiện hành động của mỗi cá nhân góp phần vào sự thay đổi ở Bắc cực như thế nào. Chẳng hạn như, các nhà khoa học đã tính được rằng, mỗi chỗ ngồi trên chuyến bay từ London tới san Francisco sẽ kèm thêm chi phí là 5,02m2 băng biển. Lượng cac-bon trung bình mà mỗi người Mỹ phát thải hàng năm đủ để làm tan chảy 46,4m2 – gần gấp 10 lần mức trung bình của 1 người Ân Độ gây ra.

Stroeve cho rằng: cho đến nay, biến đổi khí hậu thường được cảm thấy như một khái niệm hết sức trừu tượng. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cho phép chúng ta vượt qua nhận thức này.

Sau đó, Notz và Stroeve đã sử dụng khám phá này của họ để xem xét về tương lai của Bắc cực, và họ nhận thấy rằng, thêm 1.000 tỷ tấn các-bon sẽ đủ để làm giảm diện tích che phủ của băng biển ở Bắc cực trong tháng 9 xuống dưới 35.860 m2 – lượng băng này có thể dồn đủ vào trong một chiếc túi như vùng bắc Greenland, kết quả là sẽ làm vùng Bắc Băng Dương không còn băng. Với mức phát thải CO2 hiện tại – khoảng 35 tỷ tấn/năm, viễn cảnh đó sẽ diễn ra vào khoảng năm 2045.

Notz cho biết, các nhà khoa học thấy rằng, mức độ tan băng đã vượt qua hầu hết các mô hình máy tính, bởi vì những mô hình đó có khả năng đánh giá thấp sự nóng lên đang diễn ra ở Bắc cực. Việc đo nhiệt độ không khí phía trên Bắc Băng Dương vẫn còn nhiều hạn chế.

Stroeve cho rằng “các mô hình này không phải hoàn hảo. Và nếu bạn sử dụng các số liệu theo dõi được để dự đoán khi nào băng ở Bắc cực sẽ biến mất thì có lẽ là một cách tốt hơn.”

Anh Thư (Tổng hợp)