Ánh sáng nhân tạo có thể gây tác hại cho sức khỏe con người
(Dân trí) - Cùng với chế độ ăn uống đúng cách và tập thể dục đều đặn, con người cần xem xét một thói quen lành mạnh khác: thói quen tắt đèn. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe của chuột thí nghiệm nuôi trong điều kiện ánh sáng liên tục trong một khoảng thời gian kéo dài.
Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Tế bào (Cell Press) mục Sinh học Ngày nay (Current Biology), nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe của chuột thí nghiệm nuôi trong môi trường ánh sáng liên tục nhiều tháng.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng chu kỳ sáng-tối của môi trường là rất quan trọng cho sức khỏe", Johanna Meijer của Trung tâm Y tế Đại học Leiden ở Hà Lan nói. "Sự thiếu hụt các chu kỳ môi trường dẫn đến những gián đoạn nghiêm trọng nhiều thông số sức khỏe con người"
Những thông số bao gồm kích hoạt hệ thống miễn dịch, sự suy giảm cơ bắp, và các dấu hiệu sớm của bệnh loãng xương. Các nhà nghiên cứu cho thấy những thay đổi sinh lý quan sát được là biểu hiện của sự "suy yếu" thường thấy ở những người hay động vật khi có tuổi. Tuy nhiên cũng có một số tin tức đáng khích lệ.
"Tin tốt là những tác động tiêu cực đối với sức khỏe có thể đảo ngược khi chu kỳ sáng-tối của môi trường được khôi phục" Meijer nói.
Để điều tra các mối quan hệ giữa sự thay đổi chu kỳ sáng-tối và bệnh tật, Meijer và các đồng nghiệp, bao gồm cả Eliane Lucassen đã tiến hành thí nghiệm trong đó chuột tiếp xúc với ánh sáng xung quanh liên tục trong 24 tuần và đo một số thông số sức khỏe quan trọng. Các nghiên cứu về hoạt động não của động vật đã cho thấy rằng việc tiếp xúc ánh sáng liên tục làm giảm các mẫu nhịp điệu bình thường trong máy tạo nhịp sinh học trung tâm của não bộ (SCN) khoảng 70%.
Đáng chú ý, sự gián đoạn với mô hình sáng tối và nhịp sinh học dẫn đến suy giảm chức năng cơ xương của các con vật được đo trong các thử nghiệm tiêu chuẩn về sức mạnh. Xương của chúng đã có dấu hiệu suy giảm, và các động vật có trạng thái dễ viêm nhiễm thường chỉ quan sát được trong sự hiện diện của các mầm bệnh hoặc các kích thích có hại khác. Sau khi những con chuột đã được trả lại chu kỳ sáng-tối tiêu chuẩn trong 2 tuần, các tế bào thần kinh SCN nhanh chóng phục hồi nhịp sinh học bình thường, và các vấn đề sức khỏe của các con vật được đảo ngược.
Những phát hiện này cho thấy rằng cần quan tâm nhiều hơn đến mức độ tiếp xúc ánh sáng, đặc biệt là những người đang lão hóa hoặc dễ bị tổn thương. Hiện nay, 75% dân số thế giới vẫn tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm. Ánh sáng chiếu liên tục rất phổ biến ở các nhà dưỡng lão và các đơn vị chăm sóc đặc biệt, và những người làm việc đêm.
“Chúng ta từng nghĩ là ánh sáng và bóng tối như những kích thích vô hại hoặc trung tính đối với sức khỏe”, Meijer nói. “Suy nghĩ trên cần được thay đổi dựa trên nhiều nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Cuộc sống phát triển dưới áp lực liên tục của chu kỳ ánh sáng tối. Chúng tôi dường như tối ưu hóa khi sống theo những chu kỳ, và đồng thời chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chu kỳ như vậy”.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ tiến hành các phân tích chuyên sâu hơn về sự ảnh hưởng của chu kỳ sáng tối đến hệ miễn dịch. Đồng thời các nhà khoa học cũng sẽ nghiên cứu những lợi ích đối với các bệnh nhân được tiếp xúc với điều kiện môi trường sáng-tối có chu kỳ ổn định trong quá trình điều trị các vấn đề về sức khỏe.
Nhã Khanh (Theo Sciencedaily)