Ánh sáng đỏ sẫm có thể cải thiện thị lực cho người già
(Dân trí) - Các nhà khoa học Anh cho biết tập trung nhìn vào nguồn ánh sáng đỏ sẫm trong 3 phút mỗi ngày có thể giúp duy trì thị lực. Đó là nhờ xung sóng dài kích thích các ty thể trong tế bào võng mạc.
Bạn có thể tập thành một thói quen vào buổi tối, giống như đánh răng trước khi đi ngủ, là nhìn vào một nguồn sáng đỏ sẫm trong 3 phút. Làm được như vậy, bạn có thể giữ cho thị lực không bị suy giảm do tuổi già.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện nhãn khoa, Trường đại học London, Anh, do Giáo sư Glen Jeffery làm trưởng nhóm. Nghiên cứu này đã được các nhà khoa học khác công nhận và được đăng trên Tạp chí Lão khoa, Anh, ngày 29/6/2020.
Thí nghiệm trên người trong hơn hai tuần
Nghiên cứu này có sự tham gia của 24 người tình nguyện, có độ tuổi từ 28 đến 72, không có bệnh về mắt. Đầu tiên họ được các nhà nghiên cứu kiểm tra mức độ nhạy cảm của tế bào cảm quang trong võng mạc, gồm các tế bào hình nón và tế bào hình que. Các tế bào hình nón có nhiệm vụ nhận biết màu sắc và tế bào hình que nhận biết hình ảnh ngoại vi và hình ảnh trong chỗ thiếu sáng và trong bóng tối.
Để đo được mức độ hoạt động của tế bào que, người tham gia thí nghiệm được làm giãn đồng tử, sau đó phải tìm kiếm dấu hiệu ánh sáng yếu trong bóng tối. Để đo hoạt động của tế bào hình nón, họ phải nhận biết các chữ cái màu sắc khác nhau nhưng độ tương phản rất thấp và độ sắc nét giảm dần đến nhòe đi.
Sau đó họ được làm thí nghiệm với ánh sáng LED. Trong 2 tuần liên tiếp, mỗi ngày họ nhìn vào chùm sáng đỏ sẫm trong vòng 3 phút. Sau đó các nhà nghiên cứu đo lại độ nhạy của các tế bào võng mạc.
Hiệu quả với người trên 40 tuổi
Thí nghiệm cho thấy phương pháp điều trị bằng ánh sáng đỏ này chỉ có tác dụng ở những người nhiều tuổi. Độ nhạy của các tế bào hình nón được cải thiện gấp 5 lần ở những người trên 40 tuổi. Ở người dưới 40 tuổi thì không có sự thay đổi gì.
Mức độ cải thiện rõ nhất là việc nhận biết màu xanh da trời. Đây cũng là dải màu sắc mà thị lực thường suy giảm nhiều nhất. Độ nhạy của tế bào hình que cũng được cải thiện đáng kể.
Mới chỉ là nghiên cứu cơ bản, chưa phải là liệu pháp
Thí nghiệm này khẳng định võng mạc là một bộ phận cực kỳ nhạy cảm. Ánh sáng LED và đặc biệt là ánh sáng laser có thể làm hỏng võng mạc vĩnh viễn.
Nghiên cứu này mới chỉ là một nghiên cứu cơ bản. Chưa có phát hiện nào về việc phương pháp này có thể gây tổn thương lâu dài, nhưng cũng chưa có phê duyệt áp dụng phương pháp này như một liệu pháp chính thức. Vì vậy bạn chớ nhìn vào một nguồn sáng ngẫu hứng hay những chiếc đèn tự tạo dù trong hoàn cảnh nào đi nữa.
Cung cấp năng lượng cho tế bào võng mạc
Suy giảm thị lực tự nhiên là một phần của quá trình lão hóa diễn ra với các tế bào cảm quang trong võng mạc. Giáo sư Jeffery cho biết càng có tuổi, thị lực của chúng ta càng suy giảm đáng kể, cụ thể là từ sau tuổi 40 trở đi. Độ nhạy của võng mạc và khả năng nhận biết màu sắc đều suy giảm dần.
Một trong những lý do nằm ở các tế bào già nua của võng mạc, chủ yếu là vì ty thể trong các tế bào không còn khỏe mạnh như trước. Các ty thể được coi là “nhà máy điện” của tế bào. Chúng cung cấp năng lượng cho tế bào dưới dạng adenosine triphosphate (gọi tắt là ATP, đây là phân tử mang năng lượng, có chức năng vận chuyển năng lượng đến các nơi cần thiết để tế bào sử dụng). Nếu các ty thể mất đi sức mạnh thì các tế bào không thể thực hiện chức năng của chúng nữa.
Các tế bào cảm quang của võng mạc nằm trong số các tế bào tập trung nhiều ty thể nhất. Đồng thời, chúng cũng là những tế bào cần nhiều năng lượng nhất. Chính vì thế, quá trình lão hóa có tác động mạnh hơn và sớm hơn đối với thị lực hơn là đối với các cơ quan, chức năng khác của cơ thể. Trong các tế bào võng mạc, sản lượng ATP sụt giảm trung bình 70% trong toàn bộ cuộc đời, kéo theo hiệu suất của các tế bào cảm quang cũng sụt giảm mạnh.
Thí nghiệm đối với côn trùng và chuột
Giáo sư Jeffery giải thích các ty thể có đặc tính hấp thụ ánh sáng ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Đó là các sóng dài trải rộng từ 650 đến 1.000 nanometer được hấp thụ và cải thiện hoạt động của ty thể làm tăng sản lượng năng lượng.
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy chức năng của tế bào cảm quang võng mạc được cải thiện rất nhiều ở ong nghệ, ruồi giấm và chuột. Để được như vậy, những con vật này phải tiếp xúc với ánh sáng có bước sóng 670 nanometer, nói cách khác là ánh sáng đỏ sẫm. Những chiếc đèn được sử dụng trong thí nghiệm nói trên cũng có bước sóng 670 nanometer.
Giáo sư Jeffery so sánh liệu pháp ánh sáng giống như việc sạc một cục pin hết năng lượng. Ông nói “nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể cải thiện thị lực đáng kể cho người già mà chỉ cần cho họ tiếp xúc với ánh sáng phù hợp để hồi phục hệ thống năng lượng bị suy yếu trong các tế bào võng mạc”.
Phạm Hường
Theo DW