1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ánh mắt ma thuật của nàng Mona Lisa vẫn là một điều bí ẩn

(Dân trí) - Từ trước đến nay người ta vẫn cho rằng ánh mắt của người phụ nữ trong bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci là hướng về phía người nhìn, dõi theo họ cho dù họ đứng ở góc nào trong căn phòng đi nữa.

Nhưng hóa ra nhận định này là không đúng. Người phụ nữ trong bức tranh này không hề nhìn theo người xem tranh.

moza.jpg

Một nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng người phụ nữ này thật ra đang nhìn vào một góc 15,4 độ về phía bên phải của người xem tranh. Độ rộng của góc như vậy vượt ra khỏi phạm vi mà người bị nhìn thường coi là người kia đang nhìn mình. Nói cách khác, như tác giả của nghiên cứu này – ông Gernot Horstmann, nhà tâm lí học nhận thức của Trường đại học Bielefeld, Đức – cho biết “cô ấy không hề nhìn bạn”.

“Hiệu ứng Mona Lisa” đã bị gọi sai tên

Điều này nghe có vẻ hơi châm biếm bởi vì lâu nay mọi hiện tượng về một cái nhìn của người trong tranh hoặc ảnh như đang nhìn người xem được gọi là “hiệu ứng Mona Lisa”.

Theo ông Horstmann, hiệu ứng này hoàn toàn có thật. Nếu một bức tranh hay ảnh vẽ hoặc chụp một người nhìn thẳng trực diện thì dù người xem đứng lệch sang một bên cũng vẫn thấy người trong tranh đang nhìn mình. Khi góc nhìn của người trong tranh ảnh lớn lệch quá 5 độ thì hiệu ứng Mona Lisa xuất hiện.

Điều này khá quan trọng đối với người xem khi tương tác với nhân vật trên hình ảnh. Nếu muốn một người đứng trong góc phòng vẫn cảm thấy người trong tranh đang nhìn mình thì đừng điều chỉnh ánh mắt của nhân vật trong tranh về góc người xem đứng mà vẫn gữ nguyên ánh mắt đó thẳng phía trước.

Ông Horstmann cùng đồng nghiệp là nhà khoa học máy tính Sebastian Loth của Trường đại học Bielefeld đã nghiên cứu hiệu ứng này để áp dụng sáng tạo ra các hình đại diện cho trí tuệ nhân tạo. Trong khi nghiên cứu, ông đã dành nhiều thời gian xem xét “Mona Lisa” và nhận ra điều gì đó không như mọi người vẫn nhận xét trước đây.

“Tôi nghĩ là cô ấy không hề nhìn tôi” – ông nói.

Để khẳng định điều này, nhóm nghiên cứu của ông đã mời 24 người xem các hình ảnh của bức tranh “Mona Lisa” trên màn hình máy tính. Họ đặt một chiếc thước kẻ ở giữa người xem và màn hình và hỏi những người đó xem ánh mắt của Mona Lisa nhìn vào vạch số mấy trên thước. Họ còn di chuyển thước xa gần màn hình để có nhiều phép tính kiểm tra.

Để xem các đặc điểm khác của bức tranh có làm ảnh hưởng đến nhận xét của người xem về ánh mắt của người phụ nữ đó hay không, các nhà nghiên cứu đã thay đổi độ xa gần, phóng to thu nhỏ bức tranh.

Ánh mắt nhìn liếc về bên phải


Qua thí nghiệm nói trên, tất cả những người xem tranh đều nói rằng Mona Lisa không nhìn thẳng vào họ mà hơi nhìn về bên phải của họ. Và theo tính toán của nhóm nghiên cứu thì “góc nhìn của Mona Lisa chắc chắn là lệch khỏi phạm vi 5 độ mà mọi người thường cảm thấy là người kia đang nhìn mình” – ông Horstmann cho biết.

Vậy thì tại sao người ta thường tin rằng Mona Lisa dường như đang nhìn vào người xem tranh? Ông Horsmann nói rằng ông cũng không biết chính xác vì sao nữa, nhưng có thể là do tâm lí của người xem là mong  muốn cô ấy nhìn mình vì vậy mà họ tưởng cô đang nhìn thẳng vào người xem, hoặc cũng có thể những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “hiệu ứng Mona Lisa” đơn giản nghĩ đó là một cái tên thú vị.

Phạm Hường (Theo Live Science)