1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ấn Độ và sứ mệnh "giải mã" bí ẩn Mặt Trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Sau khi hoàn tất mục tiêu hạ cánh lên Mặt Trăng, Ấn Độ tiếp tục triển khai một sứ mệnh đầy tham vọng khác, hướng tới Mặt Trời.

Ấn Độ và sứ mệnh giải mã bí ẩn Mặt Trời - 1

Tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-L1 của Ấn Độ bay lên bầu trời ngày 2/9/2023 trên đỉnh tên lửa PSLV (Ảnh: ISRO).

Chiều 2/9, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thành công phóng tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-L1 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, thuộc bang Andhra Pradesh.

Chuyến bay sử dụng tên lửa đẩy PSLV, do ISRO thiết kế và vận hành, mang theo tàu Aditya-L1 lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, rồi hướng tới điểm Lagrange 1 (L1), cách chúng ta 1,5 triệu km.

Vị trí chiến lược này cho phép Aditya-L1 có thể liên tục quan sát ngôi sao khổng lồ mà không bị cản trở bởi hiện tượng nhật thực hoặc che khuất bởi một hành tinh nào khác.

Tại đây, 7 thiết bị khoa học bên trong tàu Aditya-L1 sẽ có nhiệm vụ quan sát khí quyển, vành nhật hoa, quang quyển, từ trường… của Mặt Trời, cũng như tìm hiểu những bí ẩn của ngôi sao lớn nhất trong hệ.

Vụ phóng tàu thăm dò Mặt Trời đã tiếp nối chuỗi thành công đầy ấn tượng của Ấn Độ trong lĩnh vực khám phá không gian. Trước đó, vào ngày 23/8, tàu Chandrayaan-3 của nước này đã trở thành phương tiện đầu tiên hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt Trăng.

Bộ đôi tàu đổ bộ-rover thám hiểm của sứ mệnh Chandrayaan-3 dự kiến sẽ kết thúc sau khoảng 1 tuần nữa. Tuy nhiên hành trình của Aditya-L1 mới chỉ bắt đầu.

Ông Jitendra Singh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, khẳng định tầm quan trọng của sứ mệnh. Ông cho biết, đây tiếp tục là một khoảnh khắc tươi sáng nữa đối với Ấn Độ.

Ấn Độ và sứ mệnh giải mã bí ẩn Mặt Trời - 2

Mô tả đài quan sát Aditya-L1 khi đang hoạt động (Ảnh: ISRO).

Các nhà khoa học Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào sứ mệnh Aditya-L1, với mong muốn sẽ làm sáng tỏ tính chất và cơ chế phát nhiệt của Mặt Trời, cũng như ảnh hưởng từ các cơn bão địa từ, có thể làm gián đoạn việc định vị vệ tinh và lưới điện.

Aditya-L1 cũng sẽ giải quyết "vấn đề đốt nóng vành nhật hoa", một trong những bí ẩn lớn nhất trong vật lý học nhật quang. 

Theo NASA, vành nhật hoa - bầu khí quyển mỏng manh bên ngoài của Mặt Trời - có nhiệt độ cực kỳ cao, lên tới khoảng 1,1 triệu độ C. Con số này gấp khoảng 200 lần so với bề mặt của Mặt Trời, và hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao.

Aditya-L1 còn có các mục tiêu khoa học khác, như đo thành phần của gió Mặt Trời và xác định xem nó được hình thành như thế nào.

Điều ấn tượng nhất là Aditya-L1 sẽ thực hiện tất cả những công việc này với chi phí rất rẻ đối với tiêu chuẩn chung. Theo ISRO, chi phí cho sứ mệnh này là khoảng 3,8 tỷ rupee (tương đương 46 triệu USD).

Để so sánh, một sứ mệnh tương đương với Adtya-L1 như Đài quan sát Mặt Trời (SOTO) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tiêu tốn khoảng 1 tỷ euro (816 triệu USD).