AI "vẽ lại" hình ảnh lỗ đen vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Việc quan sát lỗ đen đóng vai trò quan trọng trong tìm hiểu giai đoạn đã hình thành nên vũ trụ ngày nay, sau 13,8 tỷ năm.

AI vẽ lại hình ảnh lỗ đen vũ trụ - 1

Hoạt ảnh hiển thị quá trình chuyển đổi giữa ảnh gốc và ảnh đã vẽ lại của lỗ đen M87 (Ảnh: Viện Nghiên cứu Cao cấp).

Vào ngày 10/4/2019, Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (EHT) đã chụp lại hình ảnh trực tiếp đầu tiên về một lỗ đen có tên gọi là M87, xuất hiện dưới dạng một khối cầu màu cam rực cháy.

Giờ đây, các nhà khoa học đã sử dụng PRIMO - một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mới, để xử lý lại dữ liệu gốc, nhằm hiển thị hình ảnh mới sắc nét hơn, chi tiết hơn về lỗ đen này.

"Với kỹ thuật này, hình ảnh về lỗ đen có thể đạt được độ phân giải tối đa dựa trên những dữ liệu hiện tại", Lia Medeiros, nhà vật lý thiên văn đến từ Viện Nghiên cứu Cao cấp (Mỹ) cho biết.

Chuyên gia này lý giải, do công nghệ hiện nay chưa thể cho phép quan sát cận cảnh các lỗ đen, nên hình ảnh do AI tái hiện đóng vai trò quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về những hành vi và đặc tính của nó.

AI vẽ lại hình ảnh lỗ đen vũ trụ - 2

Việc quan sát lỗ đen đóng một vai trò quan trọng trong tìm hiểu giai đoạn đã hình thành nên vũ trụ ngày nay sau 13,8 tỷ năm (Ảnh: Getty).

Được biết, thiên hà chứa lỗ đen Messier 87 (hay M87), chỉ nằm cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng. Bởi vậy, nó được chọn làm mục tiêu ưu tiên cho nghiên cứu bởi không quá xa như các lỗ đen khác.

Bên cạnh đó, lỗ đen này có kích thước đủ lớn, và hoạt động ở tần suất vừa phải, cho phép công nghệ hiện tại của chúng ta có thể kiểm soát được tình huống. Về mặt lý thuyết, các lỗ đen không phát sáng nên các nhà khoa học chỉ có thể xác định nó thông qua ánh sáng từ vật chất mà vật thể này nuốt vào.

Quá trình này yêu cầu tới 7 kính viễn vọng vô tuyến trên Trái Đất cùng hoạt động, và khoảng 4 ngày để thu thập những hình ảnh cần thiết. Sau đó, quá trình xử lý dữ liệu cũng tốn nhiều công sức không kém.

Trong một nghiên cứu vào năm 2021, các nhà khoa học kết luận rằng lỗ đen có thể có ảnh hưởng đến sự hình thành sự sống của con người trong thiên hà của chúng ta nói riêng.

Họ miêu tả đó là "thành phần thiết yếu" trong quá trình tiến hóa của vũ trụ, xảy ra từ sự kiện Vụ nổ lớn. Đây chính là giai đoạn đã hình thành nên vũ trụ ngày nay sau 13,8 tỷ năm.