15 triệu tấn vi nhựa đang gây ô nhiễm trầm trọng đáy biển toàn cầu

Trang Phạm

(Dân trí) - Theo một báo cáo mới của cơ quan khoa học quốc gia Australia, ước tính có khoảng 15 triệu tấn hạt vi nhựa đã “định cư” trong đại dương sâu thẳm, gấp đôi lượng ô nhiễm nhựa trên bề mặt đại dương.

15 triệu tấn vi nhựa đang gây ô nhiễm trầm trọng đáy biển toàn cầu - 1

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu trầm tích đáy biển tại các địa điểm xa hàng trăm km từ bờ biển của Australia và phát hiện ra rằng số lượng vi nhựa cao hơn nhiều lần so với dự kiến.

Từ bằng chứng đó, họ đã tính toán mức độ phổ biến của vi nhựa trong trầm tích đại dương trên toàn thế giới.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hàng triệu tấn nhựa đi vào đại dương mỗi năm. Mặc dù các nhà khoa học công nhận ô nhiễm nhựa là một vấn đề sinh thái quan trọng, nhưng người ta vẫn biết rất ít về sự tích tụ nhựa gần đáy biển và tác động của nó đối với sinh vật biển và hệ sinh thái. Điều này đặc biệt đúng với vi nhựa là các hạt nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 mm.

“Mức độ ô nhiễm vi nhựa trong trầm tích biển sâu trong lịch sử ít được biết đến. Điều đó có thể hiểu được vì việc lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian và tốn kém như thế nào. Nhưng hiểu được mức độ vi nhựa tìm thấy đường đến đáy biển là điều cấp thiết để dự đoán sự phân bố và các tác động tiềm tàng của ô nhiễm nhựa toàn cầu”, đồng tác giả nghiên cứu Denise Hardesty, một nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Úc (CSIRO), cho biết:

Đối với nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng các phương tiện được vận hành từ xa (ROV) để vớt 51 lõi đáy biển từ sáu địa điểm trong một vùng đại dương ngoài khơi bờ biển phía nam Australia, được gọi là Great Australian Bight. Họ lấy mẫu ở độ sâu từ 1.655 đến 3.062 mét, ở khoảng cách từ 288-356 km tính từ bờ biển.

Sau khi có được các mẫu, các nhà khoa học thực hiện rửa sạch mẫu và quay chúng trong máy ly tâm để rửa trôi các chất hữu cơ, làm cho vi nhựa dễ phát hiện hơn. Các nhà nghiên cứu nhuộm các mẫu bằng thuốc nhuộm huỳnh quang, cô lập và xác định các hạt vi nhựa bằng kính hiển vi quang học sử dụng huỳnh quang để làm nổi bật vật liệu hữu cơ.

Kết quả cho thấy, trong các mẫu, một gam trầm tích đáy biển chứa đến 14 hạt nhựa. Dựa trên số lượng trung bình của các hạt trong các mẫu và kích thước của các đại dương các nhà khoa học tính toán ra tổng số lượng vi nhựa dưới đáy biển trên toàn cầu sẽ phải từ 9 triệu 15 triệu tấn.

Tuy nhiên, số lượng vi nhựa dưới đáy đại dương trên toàn thế giới có thể dễ dàng cao hơn nhiều. Nguyên nhân chênh lệch có thể liên quan đến mật độ hạt từ Great Australian Bight có thể thấp hơn so với các vùng đại dương gần các khu vực ven biển đông dân cư.

“Chúng tôi không mong đợi có mức độ vi nhựa được ghi nhận cao như vậy, đặc biệt là do phương pháp lấy mẫu của chúng tôi cẩn thận đến mức nào. Do đó, kết quả của chúng tôi là một ước tính thận trọng về lượng vi nhựa có trong trầm tích biển sâu”, Hardesty nói.

Các tác động của ô nhiễm nhựa lớn hơn đối với đời sống đại dương và sức khỏe hệ sinh thái đều quá rõ ràng, có thể nhìn thấy trong các mảng rác lớn tập trung ở bề mặt biển.

"Những phát hiện này làm nổi bật mức độ ô nhiễm nhựa và cho thấy rằng không có khu vực nào của đại dương là miễn nhiễm với vấn đề nhựa. Hy vọng rằng mọi người bắt đầu thấy mối liên hệ giữa những gì chúng ta làm trong cuộc sống hàng ngày và những tác động đó có thể sâu rộng đến mức nào đối với những gì được coi là hệ sinh thái nguyên sơ nhất trên thế giới”, Hardesty nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm