Khám phá bí quyết chữa bệnh cho Voi của người Tây Nguyên

(Dân trí) - Chữa bệnh cho voi vô cùng khó, lâu nay khi voi mắc bệnh người Tây Nguyên thường thả voi về rừng để ăn lá cây trị bệnh hoặc người ta đúc kết từ các bài thuốc dân gian để chữa bệnh cho voi.

Chữa bằng cây lá…

Được mệnh danh là “bác sĩ” chữa bệnh cho voi nhưng ông Đàng Năng Long (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), người sở hữu nhiều voi nhất tại “xứ voi” Đắk Lắk chỉ thừa nhận mình là một “thầy lang” không hơn không kém. Có thâm niên nuôi voi cộng với việc thừa kế kinh nghiệm gia truyền, xưa nay gia đình ông Long chữa bệnh cho voi từ việc đúc kết các bài thuốc dân gian. Với những bệnh như sưng khớp, xây xước… thông thường ông Long sẽ thả voi về rừng, tự khắc voi sẽ tìm cây rừng ăn để trị bệnh. Nhưng hiện nay những cánh rừng già Tây Nguyên đã bị "cạo trọc", cây thuốc phần lớn bị xóa sổ hoặc có còn cũng không dễ tìm kiếm. Cho nên, thay vì cho voi vào rừng, ông Long lại dùng vỏ cây lộc vừng, lá cây trâm, muối hạt… hòa vào nhau nấu lên lấy nước rửa vết thương cho voi.

Phần lớn voi nhà Đắk Lắk thường được chữa bệnh bằng cây lá trong rừng sau khi bị mắc bệnh.
Phần lớn voi nhà Đắk Lắk thường được chữa bệnh bằng cây lá trong rừng sau khi bị mắc bệnh.

Sau khi rửa xong, ông Long dùng thứ đất đào từ tổ mối hoặc men làm rượu (từ bột gạo) giã ra đắp lên vết thương cho voi. “Như voi Y Khun (45 tuổi), vết thương hở dài 25cm thì khoảng 1 tháng vết thương khép miệng, các vết thương nhỏ ở các chú voi khác thì khoảng 7 đến 10 ngày sẽ khép miệng”, ông Long nói. Mặc dù chữa bệnh cho voi bằng kinh nghiệm dân gian, nhưng ông Long rất tuân thủ các nguyên tắc của y học đương đại, đó là việc mổ xẻ bằng dao kéo đều được tiệt trùng.

“Khi mổ xong vết thương thường rất khó khâu lại, sau khi mổ vết thương thường bị hở vì da voi rất dày. Bây giờ các trường hợp như vậy tôi thường kết hợp với thuốc của tây y bôi lên để chống côn trùng. Dao kéo, dụng cụ mổ xẻ… đều phải được tiệt trùng trước khi mổ”, ông Long chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm Du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết, số voi nhà ở Trung tâm khi mắc bệnh cũng được chữa trị bằng các bài thuốc dân gian. “Voi ở trung tâm cũng hay bị chảy nước mắt hoặc bị tiêu chảy. Để chữa các chứng bệnh này, chúng tôi thường dùng các loại lá cây, rễ cây… trong rừng để trị bệnh. Thậm chí khi voi bị đau mắt chúng tôi dùng thuốc nhỏ mắt cho người để chữa cho voi. Sở dĩ phải làm như vậy bởi chúng tôi không có chuyên gia về chăm sóc, chữa bệnh cho voi”, ông Đức nói.

Chưa có chuyên gia chữa bệnh cho voi...

Dù có kinh nghiệm chữa bệnh cho voi nhưng ông Long nói đó chỉ là cách làm “chữa cháy”. Về lâu dài, ông Long cho rằng nếu muốn bảo tồn voi nhà Đắk Lắk, chữa bệnh cho voi hiệu quả, cần có một “Khoa đào tạo về thú y - chuyên ngành về chữa bệnh cho voi”. “Đây mới là đội ngũ có khả năng chuyên môn giỏi để chữa bệnh cho voi, chứ cách làm của tôi chỉ là tạm thời. Ở thời đại khoa học, chữa bệnh cho voi cũng phải dựa trên cơ sở khoa học”, ông Long quan điểm.

Các chủ voi cho rằng
Các chủ voi cho rằng cần có một “Khoa đào tạo về thú y, chuyên ngành về chữa bệnh cho voi”.

Trong một lần trao đổi với chúng tôiông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk thừa nhận việc chữa bệnh cho voi là vô cùng khó, lâu nay khi voi mắc bệnh, chủ voi hoặc nài voi cho thả vào rừng để voi tự tìm “thuốc” trị bệnh cho mình. Theo ông Luân, hiện Việt Nam chưa có tổng kết kinh nghiệm về chữa bệnh cho voi, thú y về voi. Trong khi đó, ở các nước Thái Lan, Ấn Độ… người ta đã nghiên cứu bảo tồn voi, chữa bệnh cho voi cách đây cả nửa thế kỷ nên việc này rất đơn giản. “Tôi cho rằng, khó khăn trong công tác bảo tồn voi ở Đắk Lắk hiện nay là vấn đề nhân lực, chuyên môn về bảo tồn voi còn hạn chế. Qua đây tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk, trung ương tạo điều kiện cho các cán bộ Trung tâm được đi huấn luyện về công tác bảo tồn voi ở một số nước làm tốt công tác bảo tồn voi như ở Thái Lan hoặc Myanma”, ông Luân nói.

Trong khi đó, PGS.TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010 cho rằng để thực hiện tốt việc bảo tồn voi phải đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn. Bởi nguồn nhân lực bảo tồn voi Đắk Lắk đang ở con số không. Cũng theo PGS.TS Bảo Huy không chỉ ở Đắk Lắk mà trên cả nước cũng chưa có chuyên gia về voi. "Đào tạo ngắn hạn để giải quyết vấn đề trước mắt như sức khỏe, bệnh tật, sinh sản. Đào tạo dài hạn để để giải quyết vấn đề lâu dài. Trong việc đào tạo thì phải vừa học vừa làm, phải được tiến hành song song chứ nếu đào tạo xong mới làm thì sợ sẽ không kịp. Cách đào tạo tốt nữa là mời chuyên gia của các nước bảo tồn thành công về voi. Khi các chuyên gia đến đây làm việc, qua cách làm thực tế của họ mình học theo, trong bối cảnh hiện nay chỉ có cách đó mới nhanh nhất",PGS.TS Bảo Huy chia sẻ.

Viết Hảo