Đề xuất mở cửa đường bay quốc tế thường lệ
(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tái khởi động các chuyến bay quốc tế thường lệ trước hết bằng việc khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo) trong giai đoạn 1 cho công dân Việt Nam.
Kế hoạch trên vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 3/11. Cùng với việc mở đường bay quốc tế, Cục Hàng không nhấn mạnh việc tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...
Giai đoạn 1 - quý IV/2021: Theo kế hoạch, dự kiến các chuyến bay combo sẽ được mở tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.
Cục Hàng không đề xuất tần suất khai thác được quyết định theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương, chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.
Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất không hạn chế thị trường, áp dụng với khách người nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam hoặc theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Cụ thể, vaccine liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát và phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Tần suất khai thác (tới mỗi địa phương thực hiện thí điểm du lịch quốc tế trọn gói) trung bình một chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000-6.000 lượt khách đến trong tháng đầu tiên) và tăng lên 2 chuyến bay/ngày trở lên trong tháng tiếp theo.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam mà không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).
Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Tùy thuộc tình hình thí điểm, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung các thị trường mới, tăng tần suất cho phù hợp với khả năng miễn dịch cộng đồng và nhu cầu thị trường.
Trong giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 4/2022): Tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội để triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine".
Hành khách trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19. Thị trường sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất ban đầu 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.
Giai đoạn khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2022, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội.
Trong giai đoạn này, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận.
Hành khách được chấp nhận làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.
Mới đây, Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) kêu gọi các Chính phủ tuân theo Tổ chức y tế thế giới khi lên kế hoạch mở cửa biên giới. IATA kiến nghị tiêm chủng vaccine cần được thực hiện nhanh nhất có thể; hành khách đã tiêm vaccine không nên bị cản trở; xét nghiệm kháng nguyên là giải pháp tiết kiệm và thuận lợi; Chính phủ nên trả chi phí xét nghiệm, để chi phí xét nghiệm không trở thành rào cản kinh tế khi hành khách đi lại, du lịch.
Với Việt Nam, IATA đề xuất nên nhanh chóng ứng dụng các chứng nhận số về xét nghiệm và tiêm chủng để thúc đẩy bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam.
Theo IATA, những chuyển biến tích cực đã bắt đầu diễn ra trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, du lịch bằng đường hàng không mà không bị cách ly đã được chấp thuận bởi nhiều quốc gia hơn, như Singapore, Australia và Thái Lan. Châu Âu và Mỹ thì đã mở cửa, không yêu cầu cách ly với hành khách đã tiêm vaccine.