Năm 2045, TP. Hải Phòng lọt "top" thành phố phát triển hàng đầu châu Á và thế giới

(Dân trí) - Bộ Chính trị vừa đồng ý về cơ chế đặc thù cho hai thành phố là Hải Phòng và Đà Nẵng trong kế hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Với Hải Phòng, Bộ Chính trị đưa mục tiêu phát triển Thành phố này theo hướng công nghiệp, lấy kinh tế tư nhân là động lực, đột phá phát triển, phấn đấu GRDP/người năm 2030 đạt hơn 29.900 USD (hơn 680 triệu đồng/người/năm).

Hai Nghị quyết 43-NQ/TW và 45-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành để xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng và TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Năm 2045, TP. Hải Phòng lọt top thành phố phát triển hàng đầu châu Á và thế giới - 1

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ phát triển Hải Phòng đến năm 2045 trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới

Theo đó, Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.

Năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước khoảng 6,4%; GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD; thu ngân sách từ 180.000 - 190.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ Đông Nam Á; thu ngân sách đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Trong kế hoạch và tầm nhìn phát triển của TP. Hải Phòng, Bộ Chính trị đồng ý xây dựng TP. Hải Phòng trở thành trung tâm quản lý, nghiên cứu khoa học biển, y học biển.

Bộ Chính trị yêu cầu TP. Hải Phòng chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và đặc biệt là đột phá trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

TP. Hải Phòng được xây dựng trở thành động lực trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng Bắc bộ. Hải Phòng sẽ hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An.

Trong kế hoạch sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Khảo sát, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần về cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

Được biết, Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển hai thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng, theo đại diện của Ban Kinh tế Trung ương: Nghị quyết số 45-NQ/TW có 9 điểm mới trong đó nổi bật nhất là đưa Hải Phòng thành thành phố công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Cụ thể, TP. Hải Phòng sẽ định hướng phát triển khoa học công nghệ biển, logistics. Kinh tế tư nhân được xem là động lực và đột phá của kinh tế Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Hiện GRDP bình quân/người là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được sản xuất tại TP. Hải Phòng/người tại thời điểm tính. Đây là chỉ số lớn hơn, bao trùm so với cách tính thu nhập bình quân/người của địa phương tại thời điểm tính.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, TP. Hải Phòng trở thành nơi thu hút được nhiều đại dự án lớn như sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup; các dự án lớn sản xuất thiết bị điện tử có vốn đầu tư hàng tỷ USD của Tập đoàn LG (Hàn Quốc), các dự án cao tốc quốc lộ 5B kết nối Hà Nội - Hải Phòng, cùng các dự án cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng... đã, đang và sẽ trở thành động lực cho phát triển Thành phố cảng trong tương lai.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm