Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943

(Dân trí) - Sáng ngày 17/5/2018, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”.

Đây là hoạt động khoa học hướng tới kỉ niệm 75 năm Đề cương văn hóa Việt Nam, nhằm ôn lại và nhìn nhận rõ hơn giá trị, ý nghĩa, tác dụng định hướng của bản Đề cương, qua đó nhận thức đúng hơn về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Tinh thần của Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên và các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường, Chủ tịch điều hành Hội thảo khẳng định: “Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943, được soạn thảo bởi đồng chí Trường Chinh đến nay đã tròn 75 năm. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân ta”.


PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Khi mới ra đời, bản Đề cương đã tạo ra lực hút, lôi cuốn đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung, giới trí thức và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói riêng tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa, sự áp bức về chính trị và sự bóc lột về kinh tế của chủ nghĩa thực dân và phát xít. “Đây là nền tảng cho sự phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng trong 75 năm qua, thể hiện tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014)” - PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học “Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943” đã nhận được hơn 40 bài tham luận cùng nhiều ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, trong đó có 28 bài được Hội đồng biên tập lựa chọn in trong Kỷ yếu Hội thảo. Các tham luận và ý kiến trao đổi trong Hội thảo tập trung vào việc khẳng định giá trị lịch sử, giá trị khoa học và vai trò định hướng, đặt nền móng cho nền văn hóa Việt Nam trong suốt 75 năm qua; sự vận dụng tư tưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam vào quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn, thời kì lịch sử.

Hội thảo lần này đặt ra vấn đề tuy không mới nhưng có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tinh thần của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 với những luận điểm cơ bản về tính khoa học, dân tộc, đại chúng vẫn như một dòng chảy xuyên suốt, là nền tảng cơ bản trong việc xây dựng lý luận về phát triển văn hóa của Đảng ta.

Lan Anh