Phái đẹp, cuộc đời và cây bút...
(Dân trí) - Sáng 11/06, tại Hội trường Hội nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội) đã diễn ra hội thảo về bộ sách “Phái đẹp, cuộc đời và cây bút”. Đây là bộ sách do Ban nhà văn nữ Hội nhà văn Việt Nam sáng tác, biên soạn và gửi đến bạn đọc.
Cuộc hội thảo có sự góp mặt của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, Ban nhà văn nữ cùng đông đảo các hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Hội nhà văn Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã có 200 nữ hội viên. Bao gồm nhiều tác giả ở nhiều thể loại khác nhau như: truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, thơ, lý luận, phê bình…
Bộ sách lần này, số tác giả gửi tác phẩm để in sách gồm có 98 người. Ban nhà văn nữ đã biên soạn, chia bộ sách làm 2 cuốn. Cuốn 1- Văn xuôi gồm có 43 tác giả. Trong đó tiêu biểu như: Hà Thị Cẩm Anh, Phan Thị Vàng Anh, Huỳnh Mẫn Chi, Phong Điệp, Lê Minh Khuê… Cuốn 2- Thơ, chuyển ngữ và lý luận, phê bình bao gồm 55 tác giả. Thơ có tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Kim Anh,Vi Thùy Linh… Những tác giả văn học dịch thuật: Phạm Tú Châu, Đào Kim Hoa. Tác giả lý luận phê bình: Bích Thu,Hỏa Diệu Thúy, Đặng Anh Đào…
Hội thảo thông qua 8 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình như: tham luận “Tôi đi tìm hạt ngọc trong tâm hồn” của Tiến sĩ Lê Bích Hồng. Nhà thơ Y Phương với “giống má cuộc đời và cây bút”, Trần Thị Trâm với “Nét đặc sắc của thơ phái đẹp”. Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên với tham luận “Những trang văn nữ làm đắng lòng cánh mày râu”… Thông qua các tham luận để làm nổi bật vai trò quan trọng của “phái đẹp” nói chung và vai trò không thể thiếu của các nhà văn nữ nói riêng trong nền văn học hiện nay.
“Phái đẹp, cuộc đời và cây bút” là tập sách của những nhà văn nữ đang sinh sống và làm việc ở mọi miền Tổ quốc, là tập hợp của các nhà văn thuộc nhiều thế hệ khác nhau như: Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh… Ngoài ra còn có các nhà văn là người dân tộc như Hà Thị Cẩm Anh… Đồng thời còn có sự góp mặt của các cây bút trẻ mới bước làng văn Việt Nam. Mỗi tác giả là một gương mặt, một phong cách văn học và tài năng của họ đã góp phần tạo nên diện mạo văn học Việt Nam.
Bộ sách này có điểm độc đáo hơn so với tất cả những tác phẩm đã xuất hiện từ trước, đó là mỗi tác phẩm trong cuốn sách từ sáng tác đến chuyển ngữ hay bình luận, tác giả của nó đều được một nhà phê bình có uy tín, chuyên nghiệp đánh giá, nhận xét, thẩm định. Nhiều tác giả đã có những sáng tác đoạt giải trong nước cũng như quốc tế.
Các nhà văn nữ đã dùng ngòi bút của mình để thâm nhập vào đời sống, qua đó ca ngợi những vẻ đẹp của người phụ nữ, đức hạnh lam lũ, chịu thương, chịu khó, đức hi sinh cao cả, đánh đổi cuộc đời để đến với văn chương, tựa vào niềm tin để sống cùng với thơ ca. Đồng thời các cây bút nữ còn lên án gay gắt cái xấu, cái ác nhưng với một tấm lòng vị tha, bao dung, dưới con mắt hiền hậu, nhân ái.
Những nhà văn nữ đã đóng góp cho sự phát triển của xã hội như một sự cống hiến không biết mệt mỏi của mình.
Kiều Trang