Học giả Đoàn Văn Chúc, người đặt nền móng cho ngành Văn hoá học tại Việt Nam
(Dân trí) - Sáng ngày 19/10/2016, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã khai mạc Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Sự nghiệp học giả Đoàn Văn Chúc”. Đến tham dự tọa đàm có đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, đại diện gia đình và đại diện thế hệ sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Học giả Đoàn Văn Chúc (1926-1996) tên thật là Nguyễn Tăng Khiêm, quê gốc ở làng Tạnh, Gia Lâm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp tú tài toàn phần (1943), tiếp tục theo học Cao đẳng Ngân hàng Đông Dương (1943-1945) rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, từ năm 1954-1978, ông làm việc ở Vụ Văn hóa quần chúng và thư viện (Bộ Văn hóa). Và từ năm 1978-1990, theo lời mời của các nhà khoa học, ông về giảng dạy văn hóa học, xã hội học văn hóa tại Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa mà sau này là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giảng dạy âm thầm và miệt mài của mình, vì những hoàn cảnh khó khăn khách quan, đôi lúc ông gặp rất nhiều vất vả, trở ngại trong đời sống, nhưng vượt lên tất cả, nhà nghiên cứu - nhà giáo, Đoàn Văn Chúc đã để lại nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm tiêu biểu. Những kết quả nghiên cứu, dịch thuật trong các lĩnh vực Văn hóa học, Xã hội học, Triết học, Nhân học, Phân tâm học... đã đóng góp quan trọng cho lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nói chung và góp phần đặt nền móng đầu tiên cho ngành Văn hóa học tại Việt Nam. Những công trình nghiên cứu tiêu biểu, dịch phẩm quan trọng của ông như: Những bài giảng về văn hóa (1994), Văn hóa học (1997), Xã hội học văn hóa (1997); về dịch thuật : Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (1996),Vật tổ và cấm kỵ (1998), Những tiếng nói đã mất (2011), Những cấu trúc xã hội học (2011), Những mảnh ghép văn hóa (2016)…
Ban tổ chức Tọa đàm đã nhận được gần 20 tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều Trường, Viện: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Viện Văn học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật… Các tham luận không chỉ làm rõ hơn những đóng góp học thuật mà còn ghi nhận vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ của nhà giáo, nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc.
Tại buổi tọa đàm, đã có rất nhiều các ý kiến tham gia phát biểu sôi nổi của các nhà khoa học như: GS.TS Hoàng Vinh Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; PGS.TS nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy; Nhà thơ - dịch giả Dương Tường; PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (ĐHVH); PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa NTQG Việt Nam); Các nhà nghiên cứu trẻ như Nguyễn Mạnh Tiến; Phùng Kiên (Viện Văn học)...
Tổng kết nội dung tọa đàm, PGS.TS.NGUT Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định, học giả Đoàn Văn Chúc - nguyên giảng viên nhà trường là một nhà khoa học mẫu mực, ông luôn tận tụy hy sinh và cống hiến toàn bộ thời gian, sức lực cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Những kết quả nghiên cứu, dịch thuật của ông là tài sản khoa học vô giá, có giá trị nền tảng cho các lĩnh vực nghiên cứu Văn hóa học và Xã hội học văn hóa ở Việt Nam. Tuy không có học hàm, học vị khoa học nhưng Đoàn Văn Chúc luôn được giới nghiên cứu, được nhiều thế hệ học trò, nhiều trí thức văn nghệ sĩ nể phục, quí mến vì tài năng, đức độ, sức lao động bền bỉ, cá tính và hiểu biết khoa học sâu rộng.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Cương phát biểu tại buổi toạ đàm.
Trong khán phòng ấm cúng của Tọa đàm còn có một góc trưng bày nhỏ những bản thảo, kỉ vật liên quan đến cuộc đời, công việc của Đoàn Văn Chúc.
Trong suốt những năm nhà giáo Đoàn Văn Chúc tham gia giảng dạy tại Khoa Văn hóa Quần chúng thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ông luôn là người tận tụy, cống hiến hết mình trên bục giảng nhằm truyền đạt tri thức khoa học cho các thế hệ học viên và sinh viên. Những bài giảng của ông đã trở thành mẫu mực trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp.
Đánh giá cao những cống hiến và đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Nhà trường, Đảng ủy; Ban Giám hiệu và Hội đồng khoa học Nhà trường quyết định trao chứng nhận danh hiệu Giáo sư danh dự cho Nhà giáo - Nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Văn Chúc vì những đóng góp cho khoa học của ông.
Phùng Quốc Hiếu
Ảnh : Phạm Lê Trung