Yêu cầu về an toàn thực phẩm học đường ở Australia khắt khe như thế nào?
(Dân trí) - Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại Australia được thực hiện vô cùng khắt khe do lo ngại những vấn đề liên quan tới sức khỏe học đường.
Tại Australia, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt được coi trọng, bởi trẻ em hiện nay dễ mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm không đảm bảo chất lượng hơn so với trước đây. Chính vì điều đó, sáng kiến "The Australia Better Health" (Tạm dịch: Vì sức khỏe tốt hơn của người dân Australia) đã được đưa ra và thực hiện, tập trung vào việc tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh hơn cho trẻ em tại trường học.
Sáng kiến này nhằm giúp trẻ ăn uống lành mạnh hơn, đồng thời cũng đưa ra một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trẻ em hiện nay cần được học cách ăn uống lành mạnh khi còn nhỏ để có một cơ thể phát triển khỏe mạnh, những bữa ăn tại nhà trường cần được hết sức chú ý để tránh gây bệnh cho trẻ.
Hậu quả của những căn bệnh đến từ thực phẩm không đảm bảo
Tại Australia, có tới hàng triệu ca mắc bệnh, hơn một trăm trường hợp tử vong và hàng trăm nghìn ca khám liên quan tới thực phẩm không đảm bảo mỗi năm. Bất kỳ ai cũng có thể mắc các bệnh do vi khuẩn hoặc virus sinh sôi trong thực phẩm.
Tuy nhiên, có một vài nhóm người dễ mắc bệnh hơn những nhóm còn lại, đó chính là người già, những người mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch và trẻ em. Đặc biệt, căn bệnh khi xảy đến với trẻ nhỏ có thể xuất hiện những triệu chứng nặng nề và để lại hậu quả lớn hơn.
Tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh
Khi làm việc trong khu nhà ăn tại các trường học, điều cần phải khắc cốt ghi tâm đối với mỗi nhân viên chính là giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhân viên làm việc trong nhà ăn cần luôn rửa tay trước khi chạm vào thức ăn, trước và sau khi chuẩn bị bữa ăn và ngay cả sau khi đã phục vụ xong bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, họ phải rửa tay thật đúng cách, đảm bảo nước ấm và dùng xà phòng rửa tay thật kỹ, cả khu vực giữa các ngón tay và dưới móng tay.
Sau khi xoa xà phòng, cần rửa tay lại thật sạch và lau khô bằng khăn giấy; không dùng các loại khăn bông, khăn tắm bởi vải sẽ chứa vi khuẩn và có thể truyền ngược lại vi khuẩn sang tay và sang thực phẩm.
Các nhà ăn tại trường học ở Australia còn đưa ra một thêm số yêu cầu thiết yếu khác đối với nhân viên, chẳng hạn như không làm việc khi bị ốm, đặc biệt là một số bệnh có thể lây qua đường thực phẩm.
Các nhân viên cũng không được để tóc bết hoặc chạm vào thức ăn. Nếu tóc dài, các nhân viên cần buộc hoặc cố định lại mái tóc của mình bằng lưới. Trong quá trình nấu nướng, cần sử dụng quần áo bảo hộ thích hợp và sạch sẽ, không sử dụng lại tạp dề bẩn.
Có thể thấy, vệ sinh cá nhân là một bước quan trọng đối với việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà ăn tại trường học. Chế biến thức ăn khi tay bẩn hoặc bị ốm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe trẻ nhỏ.
Giữ cho khu nhà ăn luôn sạch sẽ
Cần chú ý giữ gìn khu sạch sẽ khỏi các vi khuẩn, virus gây hại. Không bao giờ cho phép căn phòng trở thành nơi cư trú của bất kỳ loại vật gây hại nào.
Bên cạnh đó, cần nhân viên nhà bếp cần có những biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ kín cửa ra vào và cửa sổ, đóng và vứt rác đúng cách.
Một số dụng cụ bếp như thớt cần được vệ sinh và làm sạch đúng cách trước khi sử dụng. Không bao giờ sử dụng cùng một thớt cho thịt và các loại thực phẩm khác như trái cây và rau. Ngay cả khi đang thái rau với nhiều loại khác nhau, các đầu bếp nên làm sạch và vệ sinh thớt giữa mỗi lần sử dụng.
Ngoài ra, các nhân viên cũng cần chú ý hơn đến khâu bảo quản thực phẩm. Khi đã được mở để chờ sử dụng, thực phẩm có thể là nơi sinh sôi của vi khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách. Tất cả thức ăn chưa sử dụng nên được giữ trong hộp kín và nhanh chóng làm lạnh trước khi chúng bị hỏng.
Đối với các loại thịt, người chế biến cần bọc kín và luôn đặt loại thực phẩm này ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Không bao giờ được đặt thịt trên kệ cao hơn, nơi nước thịt có thể nhỏ giọt và làm ô nhiễm các thực phẩm khác.
Thức ăn cần làm chín và nóng nên được giữ nhiệt độ như vậy trong suốt thời gian nó được phục vụ. Sau đó, nên cho vào tủ lạnh để bảo quản trong vòng hai giờ kể từ khi bắt đầu nguội.
Thực phẩm không cần chế biến mà có thể ăn ngay nên luôn được giữ lạnh. Trên thực tế, bất kỳ đồ lạnh nào như bánh mì và sữa phải luôn được để ở nơi trưng bày duy trì nhiệt độ từ 5 độ C trở xuống.
Bất kỳ loại thực phẩm nào được trưng bày để tự phục vụ phải được đóng gói trong bao bì kín và phải có dụng cụ phục vụ thích hợp như kẹp hoặc thìa. Học sinh cũng cần chú ý tránh chạm trực tiếp vào đồ ăn chung khi chuyển nó vào đĩa của mình.
Thực phẩm được trưng bày để tự phục vụ phải được giữ trong các thiết bị nhiệt hoặc lạnh thích hợp trong suốt giờ ăn. Không bao giờ để thực phẩm trên bàn hoặc trong môi trường không có kiểm soát nhiệt độ.
Một số loại thực phẩm độc hại
Trong thực đơn, có một số loại thực phẩm được coi là có nguy cơ cao gây nguy ngộ độc và cần được xử lý đúng cách, bao gồm: hải sản, trứng sống, cơm chín, xà lách đóng gói sẵn, thịt sống, mì ống và bất kỳ thực phẩm nào chứa sữa.
Rã đông thực phẩm đúng cách
Nhiều người không hiểu rõ về cách rã đông thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt và xử lý sai cách có thể khiến vi khuẩn phát triển. Có nhiều cách để rã đông thực phẩm, nhưng nguyên tắc đầu tiên chính là không giờ rã đông bằng cách cho thịt vào thùng chứa nước nóng. Nếu làm vậy, phần bên ngoài của miếng thịt sẽ đạt đến nhiệt độ nhất định khiến thịt dễ bị hỏng hơn trong khi phần trung tâm vẫn còn đông lạnh. Điều này sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi. Thay vào đó, hãy sử dụng một trong hai phương pháp sau:
Một là lên kế hoạch trước và rã đông trong tủ lạnh. Quá trình này có thể mất ít nhất một ngày tùy thuộc vào trọng lượng của thịt. Đây là phương pháp rã đông lý tưởng và an toàn nhất, nhưng phương pháp này đòi hỏi phải có kế hoạch trước.
Hai là sử dụng lò vi sóng để rã đông thực phẩm. Nếu làm vậy, hãy tìm cài đặt rã đông trên lò để nó có thể rã đông thịt đúng cách.
Ngoài ra, không nên rã đông thực phẩm bằng cách để chúng trên mặt bàn ở nhiệt độ phòng. Điều này khiến vi khuẩn dễ sinh sôi hơn và dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Cần có giám sát viên an toàn vệ sinh thực phẩm
Các trường học cần thuê một giám sát viên an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này không chỉ là một quyết định thông minh mà còn được yêu cầu bởi pháp luật ở hầu hết các vùng của Australia.
Những người giám sát viên này sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ để xử lý tất cả các hành động về an toàn thực phẩm trong căng tin trường học. Một số điều cần lưu ý về việc chọn đúng chuyên gia bao gồm:
Họ phải được chứng nhận với mã năng lực thích hợp cho các nhà ăn tại trường học, thường bao gồm mã dịch vụ cộng đồng và các khóa học. Đồng thời, họ phải được tuyên bố về kết quả chứng nhận làm việc với tư cách là người giám sát an toàn thực phẩm.
Người giám sát an toàn thực phẩm không phải lúc nào cũng có mặt tại cơ sở, nhưng họ phải luôn liên lạc được. Vì lý do này, nhiều nơi chọn có nhiều hơn một giám sát viên an toàn thực phẩm trong số nhân viên của họ.
Nếu như chọn giám sát viên từ nhân viên của trường, họ cần phải tham gia khóa đào tạo được công nhận trên toàn quốc thông qua RTO (tổ chức đào tạo đã đăng ký), cũng là một cách phổ biến để thực hiện đào tạo ngày nay thông qua các khóa học trực tuyến ngắn hạn.
Các giám sát viên an toàn vệ sinh thực phẩm có những trách nhiệm khác nhau
Họ cần đảm bảo nhà ăn tuân thủ các yêu cầu pháp lý về an toàn thực phẩm, tất cả nhân viên hiểu đúng về an toàn thực phẩm, không có vấn đề về tuân thủ và giải quyết kịp thời mọi sự sai sót giữa các nhân viên. Ngoài ra, họ phải luôn cập nhật luật an toàn thực phẩm mới và phổ cập cho nhân viên tại nhà ăn của trường học.
Khi chọn một giám sát viên, cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền thích hợp, thường là hội đồng địa phương. Họ sẽ yêu cầu tài liệu chứng minh rằng giám sát viên đủ điều kiện để làm việc trong môi trường căng tin trường học.
Bởi vì luật pháp quy định phải có giám sát viên, vậy nên cần thông báo cho các cơ quan chức năng nếu người đảm nhiệm vai trò này rời đi và được thay thế bằng một giám sát viên mới.