Hà Tĩnh:
Xúc động trước tấm lòng của các thầy cô dành cho trẻ khuyết tật
(Dân trí) - Bên cạnh các lĩnh vực giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh khuyết tật và dành cho các em tất cả tình yêu thương, chăm sóc.
Dạy trẻ khuyết tật, cần nhất cái tâm
Năm học 2019-2020, toàn cấp tiểu học tỉnh Hà Tĩnh có 952 em học sinh khuyết tật học hòa nhập. Muôn nỗi khó khăn của giáo viên và nhà trường có đối tượng học sinh này. Chứng kiến việc làm của các thầy cô giáo dành cho các em học sinh khuyết tật, chúng tôi thật sự xúc động và cảm phục vô cùng.
Cô giáo Đặng Hồng Lĩnh (Trường Tiểu học Hồng Lộc, huyện Lộc Hà) tâm sự: “Năm nay, tôi nhận chủ nhiệm và giảng dạy lớp 1 đã xung phong nhận một em học sinh khuyết tật bẩm sinh (bị bệnh Down) vào lớp học hòa nhập. Thật đáng thương cho em, thiệt thòi đủ thứ, em nói khó khăn, đi lại cũng khó khăn.
Đặc biệt, do tâm lý không bình thường nên em không chịu ngồi yên một chỗ, hễ cô quên để ý là em trốn qua cửa sau bỏ ra ngoài, thế là cô lại phải bỏ lớp đuổi theo tìm về.
Sợ các phụ huynh trong lớp phản đối không cho em học trong lớp vì sợ ảnh hưởng đến con họ học tập, tôi đã phải làm công tác tư tưởng với tất cả phụ huynh trong lớp để họ thấu cảm cho hoàn cảnh của em và chia sẻ với nỗi vất vả của giáo viên”.
Mỗi học sinh khuyết tật là mỗi hoàn cảnh đáng thương, cô giáo Nguyễn Thị Chung (Trường Tiểu học Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) chia sẻ: “Em là giáo viên dạy lớp 1 đã nhiều năm. Năm nào nhận lớp vào khóa học mới cũng có một vài em học sinh khuyết tật học hòa nhập. Kỉ niệm về dạy học sinh khuyết tật thì nhiều lắm kể mãi không hết. Nhưng kỉ niệm sâu sắc nhất là với em Hoàng Công Hậu (thôn 7, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân).
Nếu không bị bệnh thì năm nay em đã học lên đến lớp 10 rồi. Hồi đó, có lần khi cả lớp đang học thì em bị “kinh giật” sùi nước miếng và ngất đi làm cô giáo và các bạn một phen hú vía.
Sau đó, em thường xuyên bị như vậy nhưng cô giáo và cả lớp đã quen nên không sợ nữa. Sau khi học xong tiểu học, em được chuyển lên học lớp 6 nhưng vì bệnh tật nên em không theo học được nữa.
Bẵng đi một thời gian dài, cô trò không gặp nhau. Mới đây, tình cờ gặp lại em, thật xúc động, em vẫn nhận ra và gọi đúng tên cô. Hai cô trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu (Trường Tiểu học Đức Đồng, huyện Đức Thọ), xúc động kể lại: “Dạy học sinh khuyết tật em thấy thương học sinh vô kể. Lớp 4 của em có một học sinh chậm trí tuệ, không biết đọc, biết viết. Hằng ngày, hai cô trò đều tranh thủ học bài cùng nhau. Nhưng rất buồn là em học trước quên sau, không nhớ được một tí gì cả.
Có lúc em định buông xuôi nhưng thấy thương quá, thế là hai cô trò lại tiếp tục từ đầu. Mong sao em nói được, viết được tên mình, tên cô giáo, tên người thân là hạnh phúc rồi”.
Khi được hỏi "Động lực nào để các cô làm được điều đó?", các cô đều cười hiền trả lời: Đó là cái tâm của nhà giáo!
Để vận động trẻ khuyết tật đến trường học hòa nhập cũng nhiều gian nan, vất vả với giáo viên và các nhà trường. Sau khi điều tra phổ cập biết được số lượng trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường, các thầy cô giáo đã đến tận gia đình để vận động cho các em đến trường. Nghe thì đơn giản nhưng trên thực tế đây là việc làm mất nhiều công sức, đòi hỏi phải có sự khéo léo, tế nhị.
Nhiều phụ huynh không muốn hoặc không dám cho con mình đến trường bởi mặc cảm tật nguyền, bởi lo lắng con cái bị tổn thương tinh thần, bởi sợ con không theo học được.
Nhiều người không giấu được sự tự ti, buông xuôi: Cháu nó đã như thế thì còn học hành cái nỗi gì!
Sáng tạo trong cách dạy
Để giúp các em học sinh khuyết tật tiến bộ, nhiều giáo viên đã có sáng kiến là xây dựng cầu nối “đôi bạn cùng tiến” giữa bạn bình thường với bạn khuyết tật, sau đó giáo viên và học sinh cùng giúp đỡ em khuyết tật đó mạnh dạn trong giao tiếp, đưa bạn khuyết tật tham gia các trò chơi vừa sức với bản thân, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.
Để các em khuyết tật ngồi yên trong giờ học thật khó khăn và vất vả vì hoạt động của các em dường như vô thức. Bên cạnh đó, với những em mắc bệnh tăng động, để các em không “nghịch” lại là cả vấn đề nan giải. Nhiều giáo viên rơi vào khủng hoảng vì sự khó bảo của học sinh.
Song, khi bình tĩnh lại họ nhận thấy, với các em khuyết tật, sự nhẹ nhàng, động viên và khuyến khích các em có giá trị hơn tất cả mọi phương pháp.
Giảng dạy cho một học sinh bình thường tiến bộ đã khó, dạy cho học sinh khuyết tật tiến bộ lại càng khó gấp bội phần. Trước hết phải tiến hành kiểm tra, phân loại tật, kiểm tra nhận thức của từng em để đặt mục tiêu, kế hoạch học tập...
Giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn, ngoài giờ học bình thường phải dành thời gian rảnh rỗi kèm thêm cho các em; dành thời gian đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, bàn bạc, phối hợp với gia đình giúp trẻ có điều kiện học tốt nhất.
Thêm nữa, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục cần phải có tri thức về giáo dục trẻ khuyết tật để nắm bắt tâm sinh lý, hiểu được trẻ, qua đó xác định và thực hiện những nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả.
Chẳng hạn như dạy trẻ câm điếc, không chỉ dạy bằng ký hiệu mà phải vừa bằng ký hiệu, vừa bằng lời nói. Như vậy, trẻ sẽ thuộc khẩu hình, dần dần dễ dàng trong giao tiếp với giáo viên nói riêng và mọi người nói chung.
Cần phải tận dụng tối đa phương pháp trực quan cho trẻ dễ tiếp thu bằng cách chuẩn bị vật thật, mô hình, tranh ảnh, phim, bộ lắp ghép...
Một điều đơn giản nhưng tốn rất nhiều công sức và đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại khi giảng cho học sinh khuyết tật là phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Và một điều cực kỳ quan trọng là phải luôn động viên, khuyến khích khi các em tiến bộ dù rất nhỏ.
Nghĩa tình ấm áp
Các em học sinh khuyết tật bên cạnh phải chịu cảnh tật nguyền thì hầu hết gia cảnh các em lại càng cảm thương hơn: nghèo, bố mẹ tật nguyền, ốm đau, góa bụa, cảnh gà trống nuôi con hoặc ông bà nuôi cháu vì vậy các nhà trường có học sinh khuyết tật học hòa nhập thường xuyên tổ chức các hoạt động để vận động giáo viên, học sinh trong trường và các mạnh thường quân quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các em.
Được chứng kiến những tình cảm tốt đẹp mà các thầy cô giáo và các em học sinh dành cho các em học sinh khuyết tật trong các dịp tết đến xuân về, trong ngày rằm Trung thu..., lòng chúng tôi thấy ấm áp và xúc động vô cùng. Câu khẩu hiệu “Dân chủ - Kỉ cương - Tình thương - Trách nhiệm” đã được các thầy cô phát huy sứ mệnh của nó.
Duy Nghĩa
(Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)