Xúc động lễ khai giảng nơi vùng biên giới
(Dân trí) - Ở địa bàn vùng biên giới với bao khó khăn, vất vả, nhưng thầy và trò Trường Tiểu học Yên Khương 1 (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) cũng đã hòa cùng niềm vui trong không khí ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Một buổi lễ khai giảng đơn sơ nhưng thắm đượm nghĩa tình nơi vùng biên giới xa xôi.
Đi bộ 4-5 km đến trường khai giảng
Trong ngày khai giảng năm học mới 2016-2017, chúng tôi có dịp đến với Trường Tiểu học Yên Khương 1, xã Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Đây là ngôi trường nằm sát với đường biên giới Việt - Lào.
Từ thị trấn huyện Lang Chánh, để đến được Trường Tiểu học Yên Khương 1, phải vượt qua con đường hơn 50km đầy ổ voi, ổ gà. Ngôi trường nằm trên lưng chừng núi, dù địa hình đi lại khó khăn, tuy nhiên, ngay từ sáng sớm, hàng chục em học sinh từ các bản làng xa xôi đã có mặt tại trường để tham dự lễ khai giảng năm học mới.
Thật cảm động về tinh thần hiếu học của học sinh nơi vùng biên giới khi chứng kiến nhiều em học sinh dép còn dính bùn đất, ống quần còn xăn quá đầu gối ngồi dự lễ khai giảng. Bởi, để đến trường, các em phải băng rừng, lội suối, đi bộ quãng đường khoảng 4-5 km.
Em Ngân Duy Nhất, học sinh lớp 3 hồn nhiên: “Nhà cháu ở làng Sắng, cháu đến đây từ sáng, được đi học cháu thấy vui lắm. Hôm nay bố mẹ đi làm rẫy rồi, cháu đến trường một mình thôi. Cháu đi học để biết chữ, để không phải đi rẫy như bố mẹ nữa”.
Còn em Lò Văn Tuấn, học sinh lớp 1ở bản Khon phải đi bộ 5km đến trường dự lễ khai giảng. “Nhà cháu ở xa lắm, hôm nay khai giảng nên cháu dậy đi từ 5 giờ sáng. Cháu muốn được đi học để không phải đi làm nương nữa, cháu thấy đến trường học cháu vui lắm, được biết chữ nữa”.
Yên Khương vốn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Lang Chánh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khă. Tuy nhiên, chứng kiến tinh thần, những tình cảm mà thầy cô giáo đã dành các cho thế hệ học sinh nơi vùng biên giới này thật khó cắt nghĩa bằng lời.
Có lẽ, từ lâu, các cháu học sinh chưa được đứng trước ống kính máy ảnh nên những khuôn mặt còn ngơ ngác và những ánh mắt hồn nhiên chăm chú. Nhiều em học sinh đến trường với bộ quần áo còn nhuốm bùn đất, trên khuôn mặt còn lấm lem.
Buổi lễ khai giảng bắt đầu với bài Quốc ca vang lên giữa núi rừng nơi vùng biên giới, làm lay động lòng người. Dù địa hình đi lại còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng trong ngày khai giảng năm học mới, tất cả các em học sinh của nhà trường đã có mặt.
“Xin các bậc phụ huynh hãy yên tâm, gửi gắm con em mình cho chúng tôi. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên năng động, nhiệt tình, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục huyện nhà, chúng tôi đã ở đây, không quản ngày nắng,không quản ngày mưa vượt lên những khó khăn, vất vả khác phục những thiếu thốn của vùng biên giới, chúng tôi nguyên hết mình tận tình dạy dỗ, dìu dắt các con trở thành những con ngoan, trò giỏi, tiếp nối các thế hệ đi cha ông xây dựng, bảo vệ quê hương ngày một giàu đẹp, giữ vững lãnh thổ biên giới quốc gia”, cô Hà Thị Liên chia sẻ.
Đoàn kết, chung sức bảo vệ biên giới
Do đặc thù là xã vùng biên giới, luôn ý thức được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ bà con dân bản yên tâm làm nương, làm rẫy, phát triển kinh tế gia đình. “Không chỉ dạy dỗ các cháu, chúng tôi luôn yêu quý, giúp đỡ các bạn Lào, đoàn kết, cùng nhau chung sức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia”, cô Liên chia sẻ.
Trong năm học vừa qua, Trường Tiểu học Yên Khương đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ với 100% học sinh hoàn thành các môn học và hoạt động giáo dục; chất lượng đội ngũ giáo viên ngày một nâng cao; cơ sở vật chất cũng thường xuyên được củng cố và nâng cao...
Tổng số nhà trường có 77 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Thái; có 10 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, bản Khon nằm sát đường biên giới, bản xa nhất cách trường 5km.
Nói về khó khăn của nhà trường thì nhiều vô kể, nhất là điều kiện cơ sở vật chất. Trong những năm học qua, vì thiếu phòng thiết bị, không còn cách nào khác, nhà trường phải ngăn đôi phòng học ra để vừa làm phòng chức năng và phòng học cho các em học sinh.
Đặc biệt, với tinh thần chia khó, công đoàn ngành giáo dục và Hội Chữ thập đỏ huyện Lang Chánh đã chung tay góp sức, xây dựng cho các thầy cô hai phòng ở tại trường để các thầy cô không phải ở nhà tranh tre, nứa lá.
Thầy Ngân Hữu Hà chia sẻ: “Cái khó khăn đặc biệt nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn lắm. Nhiều cháu đi học phải cơm đùm, cơm nắm vì đường xá xa xôi. Do cuộc sống còn khó khăn nên phong trào học tập chưa cao, nhiều gia đình chưa quan tâm, tạo điều kiện cho các cháu học tập. Các thầy cô giáo phải tổ chức dạy phụ đạo cho các chãu mỗi tuần hai buổi. Biết là còn nhiều khó khăn đấy, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực, đoàn kết để dạy dỗ các cháu, giúp đỡ bà con nơi đây phát triển kinh tế”.
Ông Phạm Đăng Lực - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, Trưởng Tiểu học Yên Khương 1 đóng trên địa bàn hết sức khó khăn, nơi vùng biên giới có địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, sự quan tâm của chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh nên đã có nhiều thành tích đáng khích lệ. Cũng từ ngôi trường này, nhiều thế hệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trưởng thành, nhiều em có bước phát triển, có đóng góp cho xã hội.
Để năm học mới 2016-2017 đạt kết quả tốt, ông Lực đề nghị, đối với thầy cô giáo phải tiếp tục phát triển tinh thần đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Vì đây là vùng biên giới nên tinh thần đoàn kết phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó phải đặc biệt quan tâm đến các em học sinh vì hầu hết các em có điều kiện khó khăn trong việc đi lại, ít có điều kiện tiếp cận với xã hội, thông tin. Đối với chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh phải quan tâm, tạo điều kiện cho nhà trường tiếp tục phát triển, quan tâm đến hoạt động của nhà trường và các em học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Duy Tuyên