Xúc động bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng” của thầy giáo Bình Định

(Dân trí) - Mùa hè đến khi tiếng ve kêu báo hiệu một năm học kết thúc, các giáo viên hợp đồng “tim phập phồng lo lắng” liệu năm học mới có được tiếp tục đứng lớp để dạy học trò thân yêu…

Bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng” được thầy Tôn Sỹ Dũng (giáo viên trường THCS Võ Xán, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) sáng tác nhanh chóng chạm đến trái tim của đông đảo giáo viên khắp mọi miền đất nước. Những vần thơ giản dị, chân thành và lắng đọng nhận được sự chia sẻ, đồng cảm lớn của người đọc, nhất là những ai trong nghề giáo.

Cô giáo vùng cao rèn luyện cho trò thói quen giữ vệ sinh, tiết kiệm nước sạch.
Cô giáo vùng cao rèn luyện cho trò thói quen giữ vệ sinh, tiết kiệm nước sạch.

Bài thơ nói về tiếng lòng sâu thẳm của một cô giáo trẻ ở vùng cao mới ra trường và được nhận vào làm giáo viên hợp đồng. Không đơn giản là chuyện "thua thiệt" về đãi ngộ (Lương bọt bèo... em chẳng đủ nuôi thân), khó khăn về điều kiện tự nhiên (Đất bazan mưa lầy đỏ bước chân) hay cơ sở vật chất thiếu thốn (Nhà công vụ tuềnh toàng ngăn liếp mỏng), điều mà cô giáo ấy lo nhất là mỗi năm học trôi đi, mình liệu có còn được ở lại trường dạy học?

NỖI NIỀM CÔ GIÁO HỢP ĐỒNG!

Em mơ ước! Lớn lên làm Cô giáo!

Bước hân hoan trên ngưỡng cửa cuộc đời

Ngày ra trường! Rồi mỗi đứa một nơi

Rồi đôn đáo làm hồ sơ xin việc

Là Cô giáo hợp đồng luôn thua thiệt

Lương bọt bèo... em chẳng đủ nuôi thân

Đất bazan mưa lầy đỏ bước chân

Nhà công vụ tuềnh toàng ngăn liếp mỏng

Ngày cuối năm... tim phập phồng lo lắng

Hè qua rồi... ở lại hoặc ra đi?

Bản hợp đồng năm mới có được ghi?

Được lên lớp! Cả đời em khao khát

Em mãi mãi là người đi gieo hạt

Dù đất cằn hay đất lẫn phù sa?

Dẫu cuộc đời còn dâu bể phôi pha

Vẫn cần mẫn chuyến đò ngang đưa khách

Hiểu cho em! Tháng năm dài đèn sách!

Trái tim yêu luôn san sẻ cho đời!

Hai câu thơ "Ngày cuối năm... tim phập phồng lo lắng/ Hè qua rồi... ở lại hoặc ra đi?” khiến nhiều người đọc thực sự xúc động.

Năm học kết thúc, mùa hè là thời gian các thầy cô được nghỉ ngơi tuy vậy nỗi lo lại nhanh đến. Ai cũng thấp thỏm năm học mới mình có được ký hợp đồng tiếp không. Nếu bị cắt hợp đồng thì xem như giấc mơ, khao khát được lên lớp "đứt giữa đường".

Tuy nhiên, sau tất cả, với trái tim nhiệt huyết, cô giáo trẻ vẫn tin và yêu nghề. Tình yêu học trò, yêu công việc "gieo hạt" tri thức đã giúp nhân vật chính trong bài thơ vượt qua tất cả, qua khó khăn thiếu thốn, qua cuộc đời dâu bể đổi thay để vững tin bước tiếp.

Để rồi, ngày ngày cô giáo ấy vẫn cần mẫn những đêm dài đèn sách, vẫn ấp ôm những chuyến đò ngang đưa từng lứa học trò qua đến bến bờ tương lai “Em mãi mãi là người đi gieo hạt/ Dù đất cằn hay đất lẫn phù sa?”.

Một cô giáo 9x ở huyện Bắc Hà, Lào Cai trải qua quãng đường gập ghềnh 10km để đến lớp.
Một cô giáo 9x ở huyện Bắc Hà, Lào Cai trải qua quãng đường gập ghềnh 10km để đến lớp.

Thầy Tôn Sỹ Dũng cho hay, cảm hứng bài thơ xuất phát từ những ngày cuối năm học khi mùa hè đến. Chỉ khoảng hơn một tháng nữa thôi năm học mới lại về.

"Giáo viên dạy hợp đồng lo lắng không biết mình có còn đứng lớp mà năm qua gắn bó với ngôi trường thân yêu. Từ những cảm xúc đó mình chia sẻ bạn đọc bài thơ này” - thầy Dũng tâm sự.

Theo thầy giáo Bình Định, thầy cô giáo dạy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn khi bị chấm dứt hợp đồng. Bài thơ được viết nên từ sự thấu hiểu thiệt thòi của giáo viên ở những miền rẻo cao, những vùng kém phát triển.

Thầy Dũng ủng hộ tinh thần của quyết định bỏ biên chế. Anh cho rằng, tính tích cực của việc bỏ biên chế là rất lớn. Tuy nhiên, với những thầy giáo miền núi, biên giới hay hải đảo, khó khăn mà họ phải đối mặt để bám nghề, bám bản, dạy học trò vùng cao đã quá nhiều, quá gian nan. Do vậy, Bộ GD&ĐT không nên thực hiện xóa biên chế với nhóm đối tượng này.

"Ngoài chính sách đãi ngộ phải nói đến tấm lòng nhiệt huyết để các thầy các cô vùng cao, hải đảo, biên giới theo nghề. Những chính sách liên quan đến nhà giáo điều cần thiết là sự ổn định để đội ngũ giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục”, tác giả bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng” quan điểm.

Lệ Thu

Ảnh: Mai Châm

***

Đọc bài viết Xúc động bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng” của thầy giáo Bình Định trên báo Dân trí, bạn đọc Nguyễn Xuân Đông đã gửi bình luận dưới hình thức là một bài thơ cũng rất nhiều trăn trở. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

NẾU NHƯ NGÀY MAI

Nếu ngày mai phải từ giã mái trường

Muôn nẻo đường đời em biết sẽ về đâu?

Có thể nào em bòn nhặt mớ rau

Nơi quê nghèo xách ra chợ bán?

Qua cổng trường lòng nghe thắt quặn

Trái tim đau theo nhịp trống se lòng

Nơi đây khắc ghi bao kỉ niệm dưới mái trường

Nụ cười bên nhau, nước mắt cô trò chia tay mùa hạ

Trang giáo án những đêm dài trăn trở

Nằm hững hờ bên giá sách nhện giăng tơ

Thôi hết rồi những năm tháng như mơ

Dâng hiến hết cả tâm hồn và trí tuệ

Gieo hạt giống tâm hồn bao thế hệ

Nay rời mái trường em nhận lấy niềm riêng

Giữa dòng mưu sinh lo cơm áo gạo tiền

Mọi người “chào cô!”, em gượng cười lặng lẽ

Mỗi khi đêm về băn khoăn trăn trở

Gian khó thêm nhiều, thêm nỗi thương con!

Nghĩ cuộc đời sao lắm bon chen

Chỉ có tình yêu học trò mà thôi chưa đủ

Đành chấp nhận thôi, lòng em tự nhủ

Hạnh phúc của nghề thật quá mong manh!

Em trở về gom những kỉ niệm riêng

Mái trường thân yêu giờ xa xôi quá

Ánh mắt học trò ngày xa xưa đó

Bỗng chợt ùa về trong nước mắt đêm mưa.

Nguyễn Xuân Đông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm