Bạn đọc viết:
Xử lý “cái hậu” của gian lận thi cử
(Dân trí) - Có lẽ chưa từng có trong tiền lệ, câu chuyện về xử lý “cái hậu” của gian lận thi cử ở nước ta lại trở nên nóng và bức xúc đến vậy.
Việc xử lý gian lận thi cử giờ đây không còn là câu chuyện của riêng ngành Giáo dục nữa, mà nó đã trở thành một “cuộc chiến” đòi lại công bằng trong xã hội.
Theo một cuộc khảo sát của báo VietNamNet cho thấy, có hơn 70% những người được khảo sát muốn công khai danh tính của phụ huynh, học sinh, 21,63% muốn công khai danh tính của phụ huynh, trong khi đó, chỉ có 7,78% muốn công khai danh tính thí sinh.
Với hơn 70% muốn công khai danh tính của phụ huynh, học sinh, có thể hình dung thái độ xã hội đối với việc gian lận thi cử vừa qua là như thế nào. Bên cạnh sự trừng trị của pháp luật, người ta còn mong muốn những ai tiếp tay cho gian lận còn phải chịu một bản án thật nghiêm khắc từ xã hội. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được.
Ai đó cho rằng việc, công khai danh tính của phụ huynh mà không công khai danh tính học sinh sẽ có thể làm giảm tác động tiêu cực cho đối tượng này. Nhưng chưa chắc đã là như vậy. Dưới tác động của mạng xã hội, tôi đồ rằng, ngay lập tức, cư dân mạng sẽ truy lùng ra con của những người này là ai, đang học trường nào, thực chất được mấy điểm trong kỳ thi đại học vừa qua.
Vậy nên, đừng mong chờ những học sinh gian lận thi cử sẽ tránh khỏi sự xấu hổ hay những tổn thương nào đó bằng việc chỉ cần công khai danh tính của bố mẹ các em.
Tuy vậy, câu chuyện ở đây dường như không phải là công khai phụ huynh hay học sinh, mà liệu người ta có muốn công khai hay không.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), việc công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi sẽ phải tuân thủ một số quy định của luật pháp và thực tiễn điều tra của cơ quan chức năng.
Rõ ràng là giữa các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội đang có một khoảng cách đáng kể khi nêu quan điểm về vấn đề này.
Đối với dư luận xã hội, ngoài việc đòi lại sự công bằng thì một câu hỏi đặt ra là, đằng sau vụ chạy điểm, liệu có dính dáng gì đến những phụ huynh là cán bộ, quan chức hay không? Bởi họ là đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi chạy chọt..
Liệu có phải với lý do không công khai tránh sự tổn thương cho những học sinh thì đồng thời có thể bao che việc làm phần nào việc làm sai trái của những vị cán bộ, quan chức?
Suy luận của xã hội không phải không có cơ sở. Và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là giải đáp nghi vấn đó. Nếu như suy đoán là đúng, thì có lẽ câu chuyện về gian lận thi cử năm 2018 sẽ còn mở ra những câu chuyện dài khác.
Việt Nam chúng ta là một đất nước trọng bằng cấp. Bởi vậy nên việc gian dối, nhất là gian dối trong thi cử là một điều rất khó được chấp nhận. Nếu công khai, cả phụ huynh và học sinh sẽ phải đối diện với những chỉ trích, đàm tiếu rất lớn từ với bạn bè, gia đình, người thân và xã hội.
Nhưng cho dù có là như vậy, thì âu cũng là cái giá rất đắt mà họ phải trả.
Còn đối với các cơ quan chức năng, hãy cho dư luận xã hội một câu trả lời thật sự minh bạch và nghiêm khắc về vụ việc gian lận thi cử vừa qua để không còn ai có bất cứ sự hồ nghi nào nữa.
Nguyễn Thảo
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!