Xóa bỏ cơ quan chủ quản: Trường đại học sẽ "sống" ra sao?

(Dân trí) - 3 trường đại học đã trình Bộ GD&ĐT đề án thực hiện tự chủ khi không còn cơ quan chủ quản. Sắp tới, 36 trường đại học sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế này. Vậy, các trường đại học sẽ “sống” sao khi không còn cơ quan chủ quản?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thí điểm chọn trong số 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo Quyết định 77 để tiếp tục triển khai giai đoạn về tự chủ cao hơn là không còn bộ chủ quản. Bộ đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường đại học (Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT)) theo cơ chế bỏ chủ quản.


Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ hướng tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực khi không còn cơ quan chủ quản

Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ hướng tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực khi không còn cơ quan chủ quản

Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trường đã trình tới Bộ GD&ĐT đề án tự chủ cao hơn hướng tới không có cơ quan chủ quản.

Theo GS Đạt, nếu đề án tự chủ này được phê duyệt, trường sẽ phát triển theo hướng “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”. Hiện trường đang chờ ý kiến của Bộ GD&ĐT phê duyệt đề án. Nếu được chấp thuận, trường sẽ triển khai ngay trong thời gian tới.

Tương tự, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã trình Bộ GD&ĐT, đề án tự chủ của nhà trường khi không còn cơ quan chủ quản. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nếu không còn cơ quan chủ quản thì quyền tự chủ của các trường sẽ được thực hiện cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện xóa bỏ cơ quan chủ quản phải theo lộ trình thực hiện.

"Các trường phải có cơ chế quản trị mới, mô hình tổ chức mới theo Luật giáo dục ĐH mới. Theo đó, cấu trúc hoạt động nhà trường phải hiệu quả, nâng cao năng lực chuyên môn của nhà trường, quan hệ đối tác bên ngoài như thế nào… lúc đó, nhà trường thực hiện quyền tự chủ như “chìa khóa” xóa bỏ cơ quan chủ quản" - ông Sơn cho hay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ chủ quản chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tập trung vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát, vai trò thực thi, quản trị là thuộc về nhà trường. Như vậy rất tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của nhà trường, giữa tự chủ, trách nhiệm tự giải trình với kiểm soát chất lượng.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục cho 36 trường ĐH, thực hiện thí điểm và đẩy mạnh quá trình thực hiện tự chủ theo hướng không cơ quan chủ quản.

Chưa xóa bỏ cơ quan chủ quản thì tự chủ chưa phát huy tác dụng

Trước năm 2014, quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở giáo dục đại học còn bị hạn chế. Các cơ sở giáo dục đại học chưa phát huy được năng lực chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học và đội ngũ các nhà khoa học trong công tác đào tạo, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính “đột phá chiến lược” để phát triển kinh tế đất nước.

Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và giao cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập thí điểm tự chủ. Các trường được giao quyền mạnh hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và tài chính; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, kể từ khi Nghị quyết 77 được triển khai, thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành được rút ngắn hơn đã giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở các ngành đào tạo mới đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Quy mô tuyển sinh của các trường có xu hướng giảm xuống sau khi tự chủ.


Quy mô tuyển sinh của các trường tự chủ

Quy mô tuyển sinh của các trường tự chủ

Trong bối cảnh số lượng các trường trong và ngoài nước ngày càng tăng lên, nguồn tuyển sinh trong nước chững lại, tổng quy mô tuyển sinh giảm với yêu cầu chất lượng đào tạo cao hơn, các trường tự chủ đã nhanh chóng thích ứng, thay đổi định hướng đào tạo ở các hệ khác nhau. Quy mô đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm trong khi quy mô đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.


Quy mô sinh viên theo các hệ đào tạo 2013-2017

Quy mô sinh viên theo các hệ đào tạo 2013-2017

Trên cơ sở được giao quyền tự chủ, các trường đã chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Trong giai đoạn 2013-2016, số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt từ 2013-2016 nhìn chung tăng lên, trong đó số lượng đề tài cấp nhà nước và nghị định thư khoảng 15-20 đề tài/năm.

Đặc biệt, số lượng đề tài khoa học công nghệ cấp trường tăng mạnh từ 426 đề tài trong năm 2013 lên đến 546 đề tài trong năm 2016. Sự gia tăng này thể hiện sự định hướng rõ ràng về nghiên cứu khoa học cũng như tính chủ động của nhà trường trong việc phân bổ và sử dụng ngân sách của trường cho nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, số lượng các công trình, bài viết được công bố cũng tăng lên nhanh chóng. Các công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (số lượng năm 2016 tăng hơn 2 lần so với năm 2013 - tăng từ 574 lên đến 1437 công trình).

Số lượng các bằng độc quyền và giải pháp hữu ích cũng tăng đáng kể, từ 21 (năm 2013) lên đến 61 (năm 2016), trong đó dẫn đầu là Trường Đại học Tôn Đức Thắng (liên tiếp các năm đều có bằng sáng chế), tiếp đến là Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Điện lực. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ năm 2016 tăng gấp 1,33 so với năm 2013 và đó là thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam...

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được đa số lãnh đạo cấp cao tại các trường nhìn nhận là khâu then chốt trong quá trình tự chủ của các trường đại học. Chính vì thế, nhiều trường đã thông suốt việc tự chủ đại học phải gắn liền với đổi mới quản trị đại học, trong đó thực hiện ngay việc thành lập Hội đồng trường.

Chính vì vậy, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống, trong đó chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin hoặc thuê ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy. Số lượng cán bộ/giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường đã tự chủ tăng lên đáng kể, số lượng cử nhân giảm xuống so với giai đoạn trước tự chủ.

Theo số liệu báo cáo của các trường, nhìn chung các trường đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích lập quỹ học bổng khuyến khích theo quy định và đều có chênh lệch thu lớn chi. Các trường đã trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng, phúc lợi, ổn định thu nhập.

Lãnh đạo của một trường đại học cho biết, khi thực hiện tự chủ, thu nhập của người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước. Cơ chế thí điểm tự chủ đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Các trường chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường phục vụ cho công tác giảng dạy học tập, nghiên cứu khoa học trên cơ sở chấp hành quy chế thu chi nội bộ của trường và các quy định của nhà nước về quản lý tài chính đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn kinh phí.

TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng, phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng.

Hồng Hạnh