Quảng Nam:

Xin trả lại 500 triệu tiền kiên cố hóa trường học

(Dân trí) - UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi lên Uỷ ban tỉnh xin hoàn trả lại 500 triệu đồng kinh phí đầu tư xây dựng, kiên cố hoá trường lớp cho 2 xã vùng cao Trà Linh và Trà Cang.

Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết nguyên do không thể xây phòng học chuẩn như quy định của ngành giáo dục với kinh phí 80 triệu đồng/1 phòng học. “Chi phí vận chuyển vật liệu lên vùng cao rất lớn, không thể dùng ô tô chuyên chở mà phải dùng gùi cõng trên địa hình đường núi.

Thêm vào đó, giá nhân công ở đây cũng cao hơn so với dưới đồng bằng. Muốn xây một phòng học chuẩn theo quy định của ngành phải tốn trên 100 triệu cho 1 phòng học.

Cho nên dù 2 xã Trà Linh và Trà Cang là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện, nhiều trường tạm, lớp tạm, tranh tre nứa lá, chúng tôi cũng không thể nhận ẩu xây phòng học đúng chuẩn với giá 80 triệu đồng. Vì vậy chúng tôi có công văn xin tỉnh cho chuyển kinh phí đầu tư cho các vùng thấp hơn của huyện, nếu không thì xin hoàn trả lại toàn bộ kinh phí 500 triệu”.

Cũng theo ông Kích, trong khi toàn huyện Nam Trà My còn trên 200 phòng học tranh, tre, nứa lá, thì một số trưòng học vừa xây mới lại hiện đại quá mức cần thiết. Việc xây dựng trường theo các quy chuẩn quá rập khuôn tại vùng cao dẫn đến tình trạng lãng phí.

Chẳng hạn như 8 phòng học vừa được xây mới tại các thôn bản thuộc huyện Nam Trà My do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, lấy kinh phí từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới cho Chương trình xây trường học cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn. Một trường bản chỉ có 30 học sinh, 2 giáo viên (1 giáo viên lớp sáng, 1 giáo viên lớp chiều) nhưng nhà vệ sinh trường lại xây đến 6 phòng.

Điều đáng nói hơn là 6 phòng vệ sinh tự hoại rất hiện đại nhưng lại… không có nước vì không có công trình dẫn nước kèm theo. Lớp học xây rất đẹp, đúng chuẩn nhưng trường thì không có tường rào, không có cổng ngõ, không có cả bảng hiệu, phải lấy tre phên làm rào tạm để ngăn trâu bò, các gia súc khác “thăm viếng” lớp.

Khánh Hiền